Chế độ quản lý nhập khẩu: Vướng mắc cần tháo gỡ

PD

Tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa đưa ra khái niệm “chế độ quản lý nhập khẩu” nhưng không có giải thích rõ ràng, không có danh mục mặt hàng kèm theo. Do đó, đã gặp không ít vướng mắc khi xây dựng danh mục hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các “chế độ quản lý nhập khẩu”...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước những vướng mắc liên quan đến hàng hóa thuộc diện “chế độ quản lý nhập khẩu”, Tổng cục Hải quan vừa tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính để tìm hướng giải quyết.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) – (gọi tắt là Thông tư về xuất xứ) do Bộ Tài chính ban hành có nội dung hướng dẫn về Danh mục hàng hóa khi NK phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 19/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể khái niệm “chế độ quản lý NK”, đồng thời không có danh mục hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các “chế độ quản lý NK”.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các “chế độ quản lý NK” có thể bao gồm: Hàng hóa thuộc diện cấp giấy phép NK, kiểm tra chất lượng, kiểm tra nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý NK bằng giấy phép…

Như vậy, có thể dẫn đến danh mục hàng hóa phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan rất nhiều, có thể phát sinh chi phí cho DN khi NK hàng hóa.

Vì vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương làm rõ khái niệm “chế độ quản lý NK” để làm cơ sở cho cơ quan Hải quan xác định danh mục hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các “chế độ quản lý NK”.

Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 19/2006/NĐ-CP và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định này.

Qua đó, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và nội luật hóa các cam kết quôc tế về xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo lộ trình sửa đổi Nghị định 19/2006/NĐ-CP thì dự kiến trong tháng 9, Bộ này sẽ trình Chính phủ dự thảo.

Dự kiến, nội dung dự thảo sẽ sửa đổi Điều 13 về các trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa NK phải nộp cho cơ quan Hải quan theo hướng giữ nguyên khoản 1 và gộp khoản 2, 3 và 4.

Để thuận lợi cho việc xây dựng và ban hành văn bản, đảm bảo thực thi hiệu quả, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính lùi thời hạn ban hành Thông tư về xuất xứ sau khi Nghị định sửa đổi Nghị định 19/2006/NĐ-CP được ban hành.