Chỉ có 8% doanh nghiệp Việt đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến công nghệ

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố: “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, kết quả điều tra năm 2013”, diễn ra ngày 3/11 tại Hà Nội trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu khu vực DN giai đoạn 2013-2014, do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và trường Đại học Copenhagen phối hợp tổ chức.

Chỉ có 8% doanh nghiệp Việt đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến công nghệ
Chỉ có 8% doanh nghiệp Việt đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến công nghệ. Nguồn: internet
Kết quả điều tra năm 2013 cho thấy, không chỉ các DN đã nhận thức được lợi ích của việc đầu tư công nghệ mà Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi dù chi cho đổi mới và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, khi quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; các dự án của DN ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm có thể được hỗ trợ đến 30% tổng vốn đầu tư, hoặc hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với số vốn điều lệ là 1000 tỷ đồng, đã thiết thực tài trợ cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, dự án ươm tạo công nghệ...
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ nhiều trở ngại đang tồn tại có thể cản trở DN đầu tư vào lĩnh vực này. Xét ở mặt bằng quốc gia, mặc dù chính sách ban hành đã khá đầy đủ, nhưng khoảng cách giữa thực tế và chính sách chưa có dấu hiệu “trùng khớp”, hay nói cách khác chính sách vẫn còn xa vời thực tế. Điển hình, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã bắt đầu đi vào hoạt động, nhưng tài trợ cho đổi mới công nghệ của DN còn quá ít. Do đó, phần lớn DN trong diện điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ (TCS) năm 2013 vẫn đổi mới, cải tiến công nghệ chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, tức là không có thay đổi đáng kể nào so với các năm trước. Cụ thế, trong số 8010 DN tham gia khảo sát, chỉ có 8% cho biết đầu tư vào nghiên cứu và cải tiến công nghệ. Điều này gợi ý với các nhà hoạch định chính sách nên chú trọng khuyến khích DN đầu tư cải tiến công nghệ đã có sẵn để tiết giảm chi phí;  đặc biệt chính sách cần tập trung vào việc tháo gỡ dứt điểm những hạn chế mà DN đang gặp phải để thiết thực hỗ trợ DN. 
 
Cũng theo báo cáo, ,một nguyên nhân khác dẫn đến hạn chế trong việc cải tiến, đổi mới công nghệ ở các DN Việt Nam hiện nay là thiếu sự học hỏi giữa DN nước ngoài và DN trong nước. Do đó, tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, nên có những chính sách nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài trong cùng ngành để tác động lan tỏa công nghệ xuất hiện. Từ đây các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam nên cân nhắc chi phí của việc thu hút FDI và những lợi ích mà DN trong nước nhận được, so với những lợi ích phát sinh từ sự tương tác giữa các DN hoàn toàn trong nước. 
 
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dù là điều chỉnh công nghệ, hay chuyển giao công nghệ thì đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ sẽ tạo ra lợi ích mới to lớn và vững chắc cho DN. Do đó, các chuyên gia cho rằng, DN rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là về cơ chế ưu đãi, tiếp cận thông tin, nguồn công nghệ và tìm kiếm, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ một cách kịp thời... để DN Việt Nam nhiệt huyết hơn trong công cuộc đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên trường quốc tế.