Chi cục trưởng được can thiệp đột xuất trong TTHQĐT

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đó là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Quyết định số 3046/2012/QĐ-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại.

Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng- một trong những đơn vị hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 100% chi cục. Nguồn: baohaiquan.vn
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng- một trong những đơn vị hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 100% chi cục. Nguồn: baohaiquan.vn
Theo đó, chi cục trưởng chi cục Hải quan nơi thực hiện TTHQĐT có trách nhiệm: Tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện của công chức ở các bước trong quy trình đảm bảo đúng quy định.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây, trong 6 tháng đầu năm cả nước có 42,5 nghìn doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, với lượng tờ khai 2,47 triệu bộ (tăng 5,6% về doanh nghiệp và 11,2% về lượng tờ khai so với cùng kì). Tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 124 tỉ USD (tăng 15,4%) trong đó xuất khẩu 61,54 tỉ USD (tăng 15,1%), nhập khẩu 62,47 tỉ USD (tăng 15,6%).

Trong đó, 90,3% tờ khai và 96,7% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước thực hiện TTHQĐT.

Tất cả 34 cục hải quan địa phương trong cả nước đã thực hiện TTHQĐT. Trong đó, 22 cục hải quan đã thực hiện tại 100% chi cục.


Can thiệp đột xuất tại các bước trong quy trình nghiệp vụ do Hệ thống xác định để đảm bảo quản lý hải quan và tự chịu trách nhiệm về quyết định can thiệp đột xuất theo nguyên tắc sau: Chỉ thực hiện đối với luồng xanh và luồng xanh có điều kiện khi phát hiện hoặc có đủ cơ sở xác định lô hàng vi phạm các quy định về quản lý thuế, hải quan, chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tỷ lệ can thiệp đột xuất trong tháng không vượt quá 5% tổng số lượng tờ khai luồng xanh và luồng xanh có điều kiện của tháng liền kề trước đó. Tổng cục Hải quan dựa trên tình hình thực tế, có thể thay đổi tỷ lệ can thiệp đột xuất tại từng Chi cục Hải quan đảm bảo đạt hiệu quả quản lý.

Đồng thời Tổng cục yêu cầu các đơn vị báo cáo định kỳ hàng tháng về hiệu quả việc can thiệp đột xuất này.

Đối với việc thực hiện các công việc liên quan đến trường hợp “Đưa hàng hóa về bảo quản” và “Giải phóng hàng” (quy định tại Điều 15 và Điều 16 Thông tư 196/2012/TT-BTC) chi cục trưởng thực hiện hoặc giao cho công chức có thẩm quyền thực hiện theo nguyên tắc: giao cho lãnh đạo Đội đảm nhiệm thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (với chi cục có cấp Đội); giao cho công chức thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp (với chi cục không có cấp Đội).

Nhìn vào quy định nêu trên của dự thảo dễ dàng nhận thấy sự phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể hơn cho lãnh đạo các chi cục.

Theo một cán bộ Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Quyết định 3046 nhằm phù hợp hơn với hoạt động thực tiễn, tạo thuận lợi cho đơn vị hải quan cơ sở và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và đáp ứng yêu cầu quản lý.

Theo Quyết định 3046 (Khoản 5, Mục 1, Phần 1): Chi cục trưởng nơi thực hiện TTHQĐT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện của công chức ở các bước trong quy trình này đảm bảo đúng quy định.