Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế

PV.

Tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo về những vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và đàm phán các FTA nói riêng, từ đó đề xuất chính sách cho giai đoạn hội nhập từ nay và trong 10 năm tới... là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tại Phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ nhất năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Thông báo số 139/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tại Phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ nhất năm 2017 nêu rõ, các Bộ, ngành và địa phương chủ động và tích cực triển khai hiệu quả các chương trình hành động của Bộ, ngành và địa phương mình trên cơ sở cụ thể hóa chi tiết nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương, nhằm thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trong việc đưa ra phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết 4 FTA còn lại, đảm bảo cân bằng lợi ích (RCEP, Việt Nam - EFTA, Việt Nam - Ixraen, ASEAN - Hồng Kong); thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng BCĐLNKT chủ trì xây dựng Đề án tổ chức Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế thường niên năm 2017, kết hợp tổ chức đánh giá 10 năm gia nhập WTO của Việt Nam, có sự tham gia của đầy đủ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế... tạo cầu nối chia sẻ thông tin và kiến nghị các điều chỉnh phù hợp cho chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nghiên cứu và đề xuất khả năng tổ chức Diễn đàn hội nhập quốc tế thường kỳ hàng năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn về công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, theo đó cần tập trung vào một số điểm mới với các trọng tâm ưu tiên.

Tăng cường thực hiện vai trò giám sát thực thi thông qua mối liên hệ thường xuyên với các đầu mối về công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời báo cáo Lãnh đạo BCĐLNKT, đặc biệt, trong thời gian tới, khi có thêm các FTA mới được thực thi, việc triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế ở địa phương có vai trò quan trọng và trực tiếp với các doanh nghiệp và người dân.