Chi ngân sách nhà nước ứng phó rủi ro thiên tai của Việt Nam

PV.

Ngày 21/2/2017, bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017 tại TP. Nha Trang, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”. Nội dung buổi Hội thảo cho thấy, các chính sách liên quan đến chi ngân sách nhà nước của Việt Nam đã đáp ứng được việc hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các khâu.

Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”
Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”

“Tài chính và Bảo hiểm cho rủi ro thiên tai” được lựa chọn là một trong những chủ đề ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn tập trung thảo luận về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai và giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước.

Tham luận được đại diện Bộ Tài chính Việt Nam trình bày tại Hội thảo nêu rõ chính sách tài chính nhằm phòng, chống, khắc phục rủi ro thiên tai của Việt Nam đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ. Việt Nam hiện có 4 nhóm chính sách tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, bao gồm: Nhóm chính sách liên quan đến thu ngân sách nhà nước (NSNN); Nhóm chính sách liên quan đến chi NSNN; Nhóm chính sách liên quan đến bảo hiểm rủi ro thiên tai; Nhóm các chính sách chi từ các quỹ ngoài NSNN.

Trong đó, nhóm các chính sách liên quan chi NSNN được nhận định là đã đáp ứng được việc hỗ trợ quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các khâu: từ khâu phòng, chống thiên tai đến khâu khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.

Về chi ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai, các cơ quan chức năng của Việt Nam dự toán chi hàng năm cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

Ngoài ra, còn có chính sách chi phòng, chống thiên tai cho một nhóm đối tượng hoặc một khu vực cụ thể dễ bị tổn thương bởi thiên tai: (i) Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến 2020; (ii) Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; (iii) Chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Trong công tác khắc phục hậu quả của thiên tai, dự trữ quốc gia bao gồm vật tư, thiết bị, hàng hóa luôn chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chính sách trợ cấp đột xuất để khắc phục hậu quả của thiên tai được thực hiện qua việc hỗ trợ gạo cho hộ gia đình bị thiếu đói; hỗ trợ bằng tiền đối với người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng đối với hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai…  

Bên cạnh đó, để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được triển khai với việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt hoặc giống cây, con cho nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai. 

Để hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất, Việt Nam có hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) đối với những địa phương có mức thiệt hại lớn vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách địa phương (NSĐP), nguồn dự trữ quốc gia, nguồn tài trợ khác…

Tham luận của đại diện Bộ Tài chính Việt Nam tại Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai” cho biết, giai đoạn 2011-2015, bên cạnh nguồn kinh phí dự phòng của các địa phương, tổng số hỗ trợ từ nguồn dự phòng NSTW cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh của Việt Nam là 11.239 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% tổng nguồn dự phòng NSTW) cho các nhiệm vụ: đầu tư sửa chữa, nâng cấp các dự án, công trình đê kè chống sạt lở và các dự án quan trọng cấp bách nhằm phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, mưa đá, lốc xoáy, bão; di dân khẩn cấp...

Ngoài ra, nguồn dự phòng NSTW cũng được sử dụng để xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài dự toán cho các bộ, ngành, địa phương như: bổ sung cho các bộ, ngành mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp (1.800 tỷ đồng); xử lý, khắc phục điểm sạt lở; hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng công trình kè sạt lở, xử lý khẩn cấp sạt lở, diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn... 

Nguồn dự trữ quốc gia đã được sử dụng kịp thời cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai: Xuất cấp lương thực, thuốc men, giống cây trồng... cho các địa phương bị thiệt hại. Giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị hàng đã xuất cấp để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thuốc thú y, giống cây trồng... là trên 4.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm trên 47.000 tấn gạo cho các địa phương để cứu đói cho người dân vùng bị thiên tai…

Tại Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai”, nhiều chuyên gia nhận định, chính sách hiện hành vẫn đảm bảo thực hiện cho các nhiệm vụ chi cho khắc phục thiên tai nhưng nguồn kinh phí từ NSNN mới chỉ đáp ứng được một phần tổng thiệt hại hàng năm.

Ngân sách mới chỉ đảm bảo được các chính sách cứu trợ khẩn cấp sau thiên tai và các chính sách khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh, đồng thời các nguồn tài chính (dự phòng, dự trữ tài chính) còn phải đảm đương các nhiệm vụ cấp bách và ngoài kế hoạch khác, như chi cho an ninh, quốc phòng, đảm bảo an ninh, xã hội… Do đó, tính bền vững, ổn định của các giải pháp này cũng là vấn đề cần quan tâm và việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước, triển khai các giải pháp tài chính và bảo hiểm rủi ro là rất cần thiết, để chuyển giao rủi ro, giảm bớt gánh nặng cho NSNN.