Chỉ số giá tiêu dùng cả nước 11 tháng năm 2014 tăng 2,08% so với cuối năm 2013

PV.

(Tài chính) Kết quả thu NSNN trong tháng 11/2014 và 11 tháng là tích cực, cơ bản sát với đánh giá thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Các cơ quan Thuế, Hải quan đã tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan và tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2014:

Trong tháng 11/2014 tình hình nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và có nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan, biểu hiện trên các tiêu chí:

- Về chỉ số sản xuất công nghiệp, hàng tồn kho: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11, tăng 5,3% so với tháng 10 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, đây là tháng có chỉ số công nghiệp tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Chỉ số hàng tồn kho tiếp tục giảm trong tháng 11, giảm 0.3% so với tháng 10.

- Về chỉ số giá tiêu dùng: Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10/2014, dẫn tới Chỉ số giá tiêu dùng cả nước 11 tháng tăng 2,08% so với tháng 12/2013, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm kể từ 2002 đến nay (tình hình điều hành giá từng mặt hàng cụ thể trình kèm báo cáo của Cục QLG).   

- Về kim ngạch xuất nhập khẩu: Trong tháng 11/2014, tổng kim ngạch XK ước đạt 13,2 tỷ USD, giảm 6,2% so tháng 10, đưa tổng KNXK 11 tháng đạt 137,03 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng KNNK tháng 11/2014 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 4,1% so tháng 10, đưa tổng KNNK 11 tháng đạt 134,97 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, trong tháng 11/2014 cán cân XNK của Việt Nam  ước tính thâm hụt 300 triệu USD, tuy nhiên tính chung 11 tháng cả nước dự kiến xuất siêu gần 2,06 tỷ USD.

- Về tình hình sức khỏe doanh nghiệp: đến thời điểm 20/11/2014, toàn quốc hiện có 488.013 DN đang hoạt động, tăng 14.322 DN (3,02%) so với thời điểm 31/12/2014, tăng 19.366 DN (4,13%) so với thời điểm 30/11/2013. Các số liệu biến động cụ thể trong 11 tháng năm 2014:

+ Số lượng DN thành lập mới: 67.525 DN, bằng 84,61% số doanh nghiệp thành lập mới cả năm 2013.

+ Số lượng DN ngừng hoạt động: 65.699 DN (bằng 106,9% số doanh nghiệp ngừng hoạt động cả năm 2013).

+ Số lượng DN tạm nghỉ SXKD: 20.807 DN, tăng 6.944 DN (52,83%) so với thời điểm 31/12/2013, tăng 1.556 DN (8,4%) so với thời điểm 30/11/2013.

- Về vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2014 ước tính đạt 19.465 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 3.398 tỷ đồng; vốn địa phương 16.067 tỷ đồng. Tính chung lũy kế 11 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 183.938 tỷ đồng, bằng 95,6% kế hoạch năm và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2013.

- Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài: tính đến thời điểm 20/11/2014 thu hút 1427 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13410,7 triệu USD, tăng 21,4% về số dự án và giảm 2,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng năm nay ước tính đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tình hình thực hiện dự toán ngân sách tháng 11 năm 2014:

2.1. Về dự toán thu ngân sách nhà nước:

Tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11 ước đạt 62,1 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu 11 tháng đạt 789,6 nghìn tỷ đồng, đạt 100,9% dự toán; bằng 93,3% mức đánh giá báo cáo Quốc hội. Trong đó:

a) Thu nội địa: tháng 11 ước đạt 42,49 nghìn tỷ đồng; tăng 4,3% so với tháng 10, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế thu 11 tháng đạt 534,3 nghìn tỷ đồng, bằng 99,1% dự toán, bằng 93,1% mức đánh giá báo cáo Quốc hội. (trong đó đã thu vào NSNN khoảng 43,35 nghìn tỷ đồng tiền cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN số quyết toán năm 2013 và phát sinh 3 quý đầu năm 2014).

Có 10/14 khoản thu hoàn thành dự toán cả năm, các khoản còn lại cũng đạt tiến độ khá cao từ 88% trở lên; có 33 địa phương thu đạt và vượt dự toán thu; các địa phương còn lại có 19 địa phương thu đạt trên 92% dự toán, 11 địa phương thu thấp hơn chủ yếu do ảnh hưởng của việc giảm thu thuế giá trị gia tăng từ các mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản.

b) Thu từ dầu thô: trong tháng ước đạt 7,3 nghìn tỷ đồng, giảm gần 1 nghìn tỷ đồng so với tháng 10. Luỹ kế thu 11 tháng đạt 96,45 nghìn tỷ đồng, bằng 113,2% dự toán, bằng 90,1% mức đánh giá báo cáo Quốc hội[4]; (giá dầu thanh toán bình quân ước khoảng 109 USD/thùng, tăng 11 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 13,9 triệu tấn, bằng 97% kế hoạch năm).

c) Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: tháng 11 ước đạt 12 nghìn tỷ đồng (tổng số thu đạt 19 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 7 nghìn tỷ đồng). Luỹ kế thu 11 tháng ước đạt 154,57 nghìn tỷ đồng bằng 100,4% dự toán, bằng 96,1% mức đánh giá báo cáo Quốc hội (tổng số thu đạt 228,57 nghìn tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 74 nghìn tỷ đồng).

2.2. Về chi ngân sách nhà nước:

Tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 11 tháng ước đạt 933,57 nghìn tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

- Chi đầu tư phát triển: Thực hiện tháng 11 ước đạt xấp xỉ 14 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013;

- Chi trả nợ và viện trợ: Thực hiện tháng 11 ước đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng đạt 118,38 nghìn tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn;

- Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,  quản lý hành chính: Thực hiện tháng 11 ước đạt 60,95 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đạt 662,59 nghìn tỷ đồng, bằng 94,1% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhìn chung, việc điều hành chi NSNN đúng tinh thần chặt chẽ, tiết kiệm theo  Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2014. Quá trình điều hành, Bộ Tài chính đã tăng tiến độ bổ sung cân đối và tạm ứng NSTW cho một số địa phương bị ảnh hưởng giảm thu do thực hiện Nghị định số 209/2013/NĐ-CP.

2.3. Về cân đối ngân sách:  

Bội chi NSNN tháng 11 ước khoảng 16,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng 143,97 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

2.4. Về tình hình huy động vốn cho NSNN:

- Về phát hành trái phiếu trong nước: trong tháng 11/2014, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức thành công các phiên đấu thầu trái phiếu, với kết quả huy động đạt: 7.386  tỷ đồng, Trong đó: kỳ hạn 3 năm đạt: 1.460  tỷ đồng; kỳ hạn 5 năm đạt: 3.300 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm đạt: 2.416 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm đạt: 210 tỷ đồng; lãi suất trúng thầu tăng theo qua từng phiên, cụ thể: đối với kỳ hạn 5 năm: 5,01% - 5,04% - 5,1%/năm; kỳ hạn 10 năm: 6,3% - 6,34% - 6,4%/năm; kỳ hạn 15 năm: 7,05%/năm. Lũy kế từ đầu năm đến 24/11/2014, tổng số huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 228,8 nghìn tỷ đồng, đạt 76,9% nhiệm vụ huy động vốn trong nước để bù đắp bội chi NSNN cho đầu tư phát triển năm 2014.

Nhìn chung, Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm các nhà đầu tư trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn để một mặt bù đắp bội chi NSNN cho đầu tư phát triển; một mặt góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

- Về phát hành trái phiếu Quốc tế: Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ, trong tháng 11/2014 Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ Đô la Mỹ, lãi suất phát hành thấp (4,8%/năm so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm), tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ (trong 10 năm); Đồng thời hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 với tổng lợi ích sau khi hoán đổi là 13,9 triệu USD; góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.