Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021: Không còn là điều “bí ẩn”

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Bức tranh giá cả trong cũng như chỉ số giá tiêu dùng những tháng còn lại của năm 2021 được các chuyên gia kinh tế nhận định là khá sáng sủa cũng như hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và có thể còn dưới mức đặt ra của Quốc hội, cho dẫu đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường cũng như tác động từ các giải pháp chống dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 6 tháng đầu năm 2021 tuy có mức tăng 1,47% so với mức bình quân cùng kỳ của năm 2020 nhưng lại là mức thấp hơn khá nhiều so với mức tăng bình quân CPI 6 tháng của các năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 (trừ năm 2015).

Phân tích thực trạng lạm phát thấp hiện nay và cả năm 2021, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Đức Độ cho rằng một phần nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, tức là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%.

Hơn nữa, chỉ số này của năm 2020 đã giảm tới 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua.

Từ thực tế của 6 tháng đầu năm 2021, các chuyên gia dự báo tốc độ tặng CPI bình quân của cả năm 2021 sẽ tăng ở mức từ 2,2 đến 2,8% (dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra).

Có 4 yếu tố “làm nền” cho kịch bản này theo TS. Nguyễn Bá Minh- Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính.

Thứ nhất, mặc dầu thời gian quan trên thế giới giá cả xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu lương thực… đều tăng mạnh khiến “rổ hàng hóa” thế giới tăng đến 22% so với cuối năm 2020 và tạo áp lực với hàng hóa của Việt Nam song áp lực này là không quá lớn. Nói không quá lớn là bởi sức cầu trong nước vẫn còn yếu nhất là về du lịch, lưu trú và cùng đó là bán lẻ hàng hóa giảm.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế mặc dù đã bắt đầu tính đến giai đoạn hậu Covid-19 với những nhu cầu mới song kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể nói là có được khả năng phục hồi vững chắc.

Thứ ba, cung - cầu về thịt lợn những tháng cuối năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, không coa như cuối năm 2020 do dịch tả lơn châu Phi được khống chế và đàn lợn nuôi được phục hồi.

Thứ tư, và cũng là yếu tố quan trọng nhất, là cả hệ thống chính trị trị Việt Nam luôn ở thế chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường ,điều hành tiền tệ kiên định mục tiêu giữ bình ổn vĩ mô.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, các tính toán cũng chỉ ra cho thấy trong 6 tháng cuối năm, CPI mỗi tháng còn dư địa trên 1% để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%.

Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, nếu kiểm soát lạm phát một cách thận trọng, chủ động,chúng ta có thể đạt CPI cả năm dưới 3%.

Do đó, ông Lê Quốc Phương cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến giá cả cung cầu các mặt hàng thiết yếu; không tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần điều hành tốt giá một số mặt hàng như: sắt thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, dịch vụ y tế, đất đai, bất động sản. Ngoài ra, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.

Để kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên vật liệu chiến lược trên thể giới. Từ đó, tính toán, dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất, kinh doanh. Điều này để có các biện pháp cân đối cung - cầu, giá cả kịp thời trong trường hợp tiếp tục có các biến động mạnh.

Đặc biệt, Cục Quản lý giá cho thấy sẽ tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, có các giải pháp điều tiết tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.

Nhìn xa hơn, một số chuyên gia đặt vấn đề, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần túy đến vấn đề thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.