Chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng


Trong tuần qua, mặc dù đã xuất hiện một số biến động, tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường là VIC và VHM tăng mạnh đã giúp chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng. Trong khi đó tâm lý giới đầu tư được cải thiện đáng kể khi lãi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ phục hồi bởi trước đó sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu kéo dài nhiều ngày từ tuần trước đã dấy lên quan ngại về khả năng nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái.

Hai mã cổ phiếu VIC và VHM tăng mạnh đã giúp chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng.
Hai mã cổ phiếu VIC và VHM tăng mạnh đã giúp chỉ số VN-Index tiếp tục đà tăng.

Diễn biến TTCK thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 25.717,46 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 0,4% lên 2.815,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,3% lên 7.669,17 điểm. 

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các TTCK chủ chốt có diễn biến ngược chiều. Bất ổn liên quan tới việc Vương quốc Anh rời khởi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) đã kéo đồng bảng đi xuống, song qua đó lại hỗ trợ đà tăng của chỉ số FTSE 100, ghi thêm 0,6%, lên 7.234,33 điểm. Tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tăng 0,1% lên 11.428,16 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường Paris của Pháp, chỉ số CAC 40 hạ 0,1% xuống 5.296,54 điểm.

Trong phiên giao dịch ngày 28/3, TTCK châu Á diễn biến trái chiều, giữa lúc giới đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 344,97 điểm (1,61%), xuống 21.033,76 điểm, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh của Phố Wall trong phiên giao dịch đêm trước. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017 trong phiên 27/3, dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy yếu của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Điều này cũng khiến đồng USD đi xuống so với đồng yen, giảm từ mức 110,51 yen/USD xuống 110,13 yen/USD. Đồng bạc xanh cũng suy yếu so với hai đồng tiền chủ chốt khác là euro và bảng Anh, lần lượt giao dịch ở mức 1,1261 USD/euro và 1,3194 USD/bảng Anh, so với các mức tương ứng của phiên trước là 1,1244 USD/euro và 1,3189 USD/bảng Anh.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi hạ 17,52 điểm (0,82%), xuống 2.128,10 điểm, do những lo ngại về lợi nhuận của một số công ty công nghệ lớn. Khối lượng giao dịch tại sàn giao dịch này trong phiên 28/3 đạt 4.310 tỷ won (3,79 tỷ USD). 

Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia lại tăng gần 0,7%, lên 6.176,10 điểm. Các thị trường Singapore, Manila và Jakarta cũng đều đóng cửa với sắc xanh. 

Tại Trung Quốc, hai TTCK chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động trái chiều. Các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc trồi sụt không ngừng trong suốt phiên này, khi nhiều nhà đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng kinh tế thế giới và sự chú ý đang tập trung vào vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 46,96 điểm (0,16%), lên 28.775,21 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite lại hạ 27,78 điểm (0,92%), xuống 2.994,94 điểm. 

Cổ phiếu vốn hóa trên TTCK Việt Nam là nhân tố tích cực

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index tăng 7,07 điểm lên 982,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 217 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị hơn 4.094 tỷ đồng. Toàn sàn có 157 mã tăng giá, 49 mã đứng giá và 148 mã giảm giá.

HNX-Index giảm 0,22 điểm xuống 107,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 25,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 404,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 73 mã tăng giá, 71 mã đứng giá và 74 mã giảm giá.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất nhì thị trường là nhân tố tích cực kéo chỉ số VN-Index bật tăng. Cụ thể, cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường là VIC tăng tới 1,8%, trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn thứ nhì thị trường là VHM tăng 3,3%. GAS cũng là cổ mã cổ phiếu tăng mạnh trong phiên hôm nay với mức 1,4%. Ở chiều ngược lại, VNM giảm 1%, NVL giảm 1,1%, VJC giảm 0,9%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Theo đó, ở chiều tăng giá có các mã tiêu biểu như BID tăng 2%, VCB tăng 1,8%, VIB tăng 1,6%, CTG tăng 0,7%.... Ở chiều giảm giá có EIB giảm 2,8%, STB giảm 1,6%, VPB giảm 1,2%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí có PLX tăng 1,2%, PVD tăng 0,9% và PVS tăng 0,5%, trong khi BSR giảm 2,3%, OIL giảm 1,4%, POW giảm 1%, PVC giảm 1,4%, TDG giảm 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tiêu cực với sắc đỏ lan rộng và thanh khoản rất thấp. SSI, MBS, CTS, HCM, VCI... đều kết phiên trong sắc đỏ với thanh khoản rất thấp, chưa mã nào có thanh khoản vượt qua mốc 1 triệu đơn vị.

Khối ngoại phiên mua ròng khá mạnh. Theo đó, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng tới trên 3,9 triệu cổ phiếu, với giá trị mua ròng đạt 151,71 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh mã VHM (48 tỷ đồng), tiếp đến là BID và VIC đều ở mức gần 35 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VHM (hơn 45 tỷ đồng), tiếp đến là CTI gần 44 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,39 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng 16,02 tỷ đồng. Trên sàn này khối ngoại mua ròng mạnh mã PVS (hơn 17,6 tỷ đồng), tiếp đến là SHB (hơn 3,88 tỷ đồng), khối ngoại bán ròng mạnh mã VCG (hơn 2,38 tỷ đồng) và VGC (hơn 2 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCOM, khối ngoại bán ròng 599.643 đơn vị, giá trị bán ròng đạt 164,53 triệu đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh mã BSR (hơn 12,2 tỷ đồng) và mua ròng mạnh các mã HVN (hơn 4,4 tỷ đồng), VEA (hơn 3,2 tỷ đồng), tiếp đến là GEG (hơn 2,7 tỷ đồng).