Chi tiêu nguồn vốn vay nước ngoài phải tuân thủ pháp luật trong nước và hiệp định vay
Theo Bộ Tài chính, việc chi tiêu đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn vay nước ngoài phải tuân thủ theo quy định pháp luật trong nước và Hiệp định vay hoặc Thoả thuận vay đã ký kết.
Theo cử tri tỉnh Trà Vinh, đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn vay nước ngoài, việc chi tiêu phải chịu sự chi phối thủ tục nước ngoài và phải đảm bảo quy định trong nước, việc giải ngân vốn phải thông qua nhiều cơ quan kiểm soát. Do đó, cử tri kiến nghị giao về Kho bạc Nhà nước tại địa phương thực hiện thanh toán đối với nguồn vốn nước ngoài.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, việc chi tiêu (giải ngân, thanh toán) đối với các dự án đầu tư có nguồn vốn vay nước ngoài (ODA và vay ưu đãi nước ngoài) phải tuân thủ theo quy định pháp luật trong nước và Hiệp định vay/Thoả thuận vay đã ký kết.
Đối với quy định pháp luật trong nước, việc thanh toán, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo quy định của: Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Để được giải ngân, các dự án đầu tư phải hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, phải được bố trí vốn đầu tư công trung hạn và được phân bổ dự toán chi đầu tư hàng năm (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định). Dự án phải có khối lượng hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi theo quy định, đủ điều kiện để thanh toán.
Đối với quy định của Hiệp định/Thoả thuận vay, việc thanh toán, giải ngân phải tuân thủ Điều ước quốc tế, Thoả thuận quốc tế; sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam để ký kết và Bộ Tài chính đảm nhận vai trò là Bên đi vay trong các Hiệp định/Thoả thuận vay.
Theo Bộ Tài chính, các nhà tài trợ (Bên cho vay) khi cung cấp ODA và khoản vay ưu đãi cho Chính phủ Việt Nam đều có các quy định về việc kiểm soát việc giải ngân, thanh toán, các nội dung như: đấu thầu, ký kết hợp đồng..., phải có sự không phản đổi của nhà tài trợ; mặt khác về giải ngân, trên cơ sở đề nghị của Bên vay (Bộ Tài chính), nhà tài trợ thực hiện giải ngân/rút vốn.
Việc chi tiêu được Nhà tài trợ thanh toán trực tiếp cho đơn vị cung cấp hàng hoá dịch vụ (hoặc rút về tài khoản tạm ứng), không chuyển tiền cho Kho bạc Nhà nước để chi tiêu như đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước. Bộ Tài chính thực hiện xác nhận nợ, theo dõi và thanh toán trả nợ nước ngoài.
Trong quá trình nói trên, Kho bạc Nhà nước đảm nhận vai trò kiểm soát chi (kiểm soát hồ sơ thanh toán) đảm bảo tuân thủ chế độ quy định; thực hiện hạch toán ghi thu/ghi chi ngân sách nhà nước và tổng hợp quyết toán chi. Các công việc này do Kho bạc Nhà nước địa phương nơi chủ dự án mở tài khoản thực hiện.
Như vậy, Bộ Tài chính cho biết, dòng tiền vay nợ không chuyển cho Kho bạc Nhà nước (cả Kho bạc Trung ương cũng như Kho bạc địa phương). Mặt khác, vai trò Bên vay là Bộ Tài chính, không phải là Kho bạc Nhà nước nên Kho bạc Nhà nước không thể đảm nhiệm được việc ký đơn rút vốn, nhận tiền, thanh toán cho chủ đầu tư được như kiến nghị của cử tri.