Nhiều nguyên nhân làm chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 hiện vẫn chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đòi hỏi cần có các giải pháp tháo gỡ.
Nhiều nguyên nhân làm chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Theo Bộ Tài chính, tỷ tệ ước giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%). Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57% (cùng kỳ năm 2021 đạt 20,74%), vốn nước ngoài đạt 3,25% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,02%).
Có 07 Bộ và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%). Tuy nhiên, có 43/51 Bộ và 28/63 dịa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Tổng hợp từ Bộ Tài chính cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, có nguyên nhân từ các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công. Cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân cao, nhưng có đến 17 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân.
Bên cạnh đó, các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn; đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; giá vật liệu xây dựng thời gian vừa qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn.
Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, một số dự án sử dụng vốn vay, vốn nhà tài trợ giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi, quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ. Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế... dẫn đến chưa giải ngân được vốn.
Điều chuyển kế hoạch vốn chưa phân bổ hết
Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA đã có đủ diều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CD-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, cần quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18/02/2021 quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.