Chia đều cơ hội và thách thức

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cuối năm 2015, khi hoạt động đàm phán hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN hoàn thành, doanh nghiệp của các nước trong khối sẽ gia nhập một thị trường chung, lớn hơn, với thuế quan gần 0%. Theo đó, doanh nghiệp trong nước cần có lộ trình cụ thể và hành động ngay để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường khu vực và giữ vững thị trường nội địa.

Cơ hội mở ra là khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do. Nguồn: internet
Cơ hội mở ra là khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do. Nguồn: internet

Cơ hội mở ra là khi AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do (FTA) mang lại. Cụ thể, các doanh nghiệp nước ta có thể bán hàng sang các nước trong khối ASEAN gần như bán hàng trong nước. Đồng thời các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ đơn giản, thuận lợi như: cơ chế hải quan một cửa ASEAN; hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau... sẽ được triển khai. Ngoài ra, ASEAN cũng đẩy mạnh việc xử lý các biện pháp phi thuế quan và thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp. Về dịch vụ và đầu tư, ASEAN hướng tới mức độ tự do hóa cao, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).

Tuy nhiên, làm thế nào doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa cơ hội này lại là thách thức không nhỏ khi thời điểm một thị trường chung khu vực đang đến rất gần. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ nhỏ bé về quy mô vốn liếng, thiết bị đơn sơ lạc hậu, công nghệ đi sau hàng nhiều chục năm so với các nước trong khu vực, lao động chưa qua đào tạo là chủ yếu… mà còn thể hiện ở tư duy kinh doanh, tầm nhìn ngắn, chủ yếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất thiết phải thay đổi chiến lược, tầm nhìn để tìm ra cơ hội cho mình mang tầm khu vực, toàn cầu.

Không ít ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội mà AEC mang lại điều quan trọng là phải thường xuyên nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhất là các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ, doanh nghiệp cần tìm đến sự khác biệt, điểm mạnh trong việc sản xuất hàng hóa để có thể tiếp cận với các thị trường trong khu vực. Đơn cử như 13/15 sản phẩm của Việt Nam tương đồng với Indonesia nên cơ hội thị trường của chúng ta không nhiều. Nhưng Việt Nam là nước mà 70% dân số làm nông nghiệp thì chắc chắn là có những thế mạnh riêng so với những nước ASEAN khác phát triển công nghiệp hoặc phát triển dịch vụ. Họ vẫn cần tới sản phẩm của chúng ta và ngược lại nông sản của chúng ta cũng cần công nghệ mới, những dịch vụ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết những rào cản đối với từng nước khi có ý định tham gia vào thị trường đó. Từ đó xác định đối tượng khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, khi tham gia thị trường kinh tế mang tính khu vực thì cuộc cạnh tranh về giá sẽ diễn ra rất khốc liệt. Điều đó có nghĩa là quản trị phải tốt hơn, chất lượng sản phẩm phải tốt hơn.

Bên cạnh đó, khi hàng rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn thì quy tắc xuất xứ lại nổi lên như một rào cản mới đối với doanh nghiệp. Bởi để được hưởng các ưu đãi trên thì hàng hóa các nước trong khối ASEAN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ từ các nước này, theo tỷ lệ được quy định cụ thể đối với từng mặt hàng. Đây chính là sức ép đối với các doanh nghiệp, phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp.

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, để có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh khi tham gia vào FTA, các doanh nghiệp cần phải hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động như thị trường kỳ hạn, các công cụ phái sinh, bảo hiểm… Đặc biệt các doanh nghiệp phải chuyển dần từ cách thức cạnh tranh bằng giá sang chú trọng cạnh tranh phi giá gắn với tiêu chuẩn, mẫu mã giao dịch… Cùng với đó, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thuận lợi cho các doanh nghiệp không có khả năng chuyển đổi hoạt động.