Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH:
“Chìa khóa” từ luật hóa
Năm 2019, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung cùng tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH. Việc Trung ương ban hành Nghị quyết này năm 2018 đã khẳng định vai trò quan trọng của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
“BHXH đa tầng” - Khái niệm rất mới tại Việt Nam
Quyết tâm cải cách chính sách BHXH, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân cho thấy tư duy, quan điểm xuyên suốt của Ðảng và Nhà nước đối với vấn đề được xem là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH với 11 điểm mới được đánh giá là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực, cũng như tiệm cận tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Ðể góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 3/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2018/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương giai đoạn 2019-2020. Ðây là định hướng chỉ đạo hết sức quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tại cơ sở.
Theo các chuyên gia, những điểm mới về tư duy, nhận thức của Nghị quyết số 28-NQ/TW trong cải cách chính sách BHXH thể hiện rất rõ trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, các nhiệm vụ, giải pháp. Ðó là, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào với mục tiêu số người tham gia BHXH so lực lượng lao động trong độ tuổi, phấn đấu đến năm 2021 đạt 35%, năm 2025 đạt 45% và đến năm 2030 đạt 60%.
Tương ứng là yếu tố đầu ra thể hiện chất lượng an sinh với số người sau độ tuổi về hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt 45% vào năm 2021, 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Với mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 đạt khoảng 5%.
Ðể thực hiện được các mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đưa ra một khái niệm rất mới tại Việt Nam đó là “BHXH đa tầng”. Ðây được xem là hướng đi căn bản trong cải cách hệ thống BHXH trong thời gian tới.
Theo đánh giá, thời gian vừa qua, chính sự thiếu liên kết giữa chính sách BHXH với các chính sách khác dẫn đến việc vẫn còn có khoảng 5 triệu người cao tuổi (hơn 60 và dưới 80 tuổi mà không thuộc hộ nghèo; không bị khuyết tật) chưa được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Trong cải cách chính sách BHXH lần này, hệ thống BHXH được thiết kế theo hướng đa tầng, điều này sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để bảo đảm an sinh cho mọi người dân.
Theo đó, hệ thống BHXH hướng tới ba tầng cơ bản, gồm: Tầng 1 là trợ cấp hưu trí xã hội. Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Có lộ trình mở rộng bao phủ bằng cách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp khả năng của ngân sách và lộ trình tăng tuổi về hưu trong từng thời kỳ.
Tầng 2 là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động và BHXH tự nguyện dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động, có sự hỗ trợ thích đáng từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; từng bước hình thành văn hóa đóng - hưởng để tự bảo đảm an sinh cho bản thân.
Tầng 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung với chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Khi thực hiện hệ thống BHXH đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH, không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng cho rằng, thông qua việc thực hiện BHXH đa tầng, mục tiêu BHXH toàn dân của Việt Nam có thể sẽ về đích sớm hơn. Ðiều này có ý nghĩa rất lớn với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, nâng cao chất lượng an sinh xã hội đang được Ðảng, Nhà nước và người dân đặc biệt quan tâm.
Việc luật hóa các chủ trương tại Nghị quyết là điều kiện quan trọng
Quá trình cải cách, đổi mới chính sách BHXH đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần phát triển thị trường lao động, xây dựng và hoàn thiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Để Nghị quyết số 28-NQ/TW đi vào cuộc sống rất cần những giải pháp, chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu lớn, phù hợp với thực tiễn, việc luật hóa các chủ trương tại Nghị quyết sẽ là điều kiện quan trọng.
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến cải cách chính sách BHXH.
Quốc hội sớm nghiên cứu thể chế hóa quan điểm, mục tiêu và các nội dung cải cách về BHXH trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; rà soát các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2019 – 2025, chú trọng hoàn thiện chính sách BHXH có liên quan trong quá trình xem xét, sửa đổi các văn bản: Bộ luật Lao động, Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, Luật Người cao tuổi, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Việc làm, Luật BHXH.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong thực tế triển khai chính sách BHXH ở nước ta hiện nay cho thấy còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, khi diện bao phủ BHXH còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn.
Tình trạng trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi BHXH vẫn diễn ra tại các địa phương. Tình trạng về hưu sớm trong bối cảnh già hóa dân số và tuổi thọ ngày càng tăng làm tăng gánh nặng cho quỹ BHXH…
Cùng với đó, những cải cách của chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW chưa hẳn đã được một bộ phận người lao động, người dân ủng hộ như việc tăng tuổi hưu và hạn chế BHXH một lần…
Theo các chuyên gia, muốn mở rộng diện bao phủ BHXH, cần tính tới cả các giải pháp về chính sách và các giải pháp về cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHXH. Các giải pháp đều hướng tới hai nhiệm vụ chính là phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.
Bên cạnh đó, để duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia BHXH rời khỏi hệ thống, cần sớm sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH ít được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về BHXH một lần, như có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần…
Với những giải pháp gắn với thực tế trên sẽ là tiền đề để đưa Nghị quyết 28-NQ/TW sớm đi vào thực tiễn hiệu quả bởi lẽ hành lang pháp lý chặt chẽ và hợp lý thì bài toán “cán đích” sẽ sớm được hiện thực hóa.