Chiến lược M&A của khối ngoại tại Việt Nam
Cuộc đua mua bán - sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày, với chiến lược đi trước đối thủ để giành thị phần. Bán lẻ, bất động sản, công nghiệp… là những ngành hàng được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Có một “cuộc đua” M&A vào Việt Nam
Sau khi kết thúc Hội nghị Xúc tiến đầu tư và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, diễn ra đầu tháng 8/2016, đoàn khách là nhà đầu tư Nhật Bản đã đi cùng máy bay về Hà Nội và đặt lịch làm việc với ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Bitexco để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác với tập đoàn này.
Cách đó chỉ vài hôm, Tập đoàn Bitexco có thương vụ M&A bán lại 45% cổ phần giai đoạn I của Dự án Khu đô thị The Manor Central Park trị giá khoảng 290 triệu USD cho Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản).
Đang cạnh tranh quyết liệt với Nhật Bản là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Mỹ, Hồng Kông, Singapore. Bán lẻ,tiêu dùng,bất động sản, công nghiệp… là những ngành đang được khối ngoại rất quan tâm.
Nhìn tổng thể trong 20 thương vụ M&A nổi bật trong năm 2015 và nửa năm đầu 2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm áp đảo với 16/20 thương vụ M&A. Còn xét về tổng giá trị, trong năm 2015, trong 10 thương vụ lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,542/1,846 tỷ USD để mua lại các dự án,doanh nghiệp Việt Nam. Con số này trong nửa đầu năm nay là hơn 3,695/3,782 tỷ USD. Như vậy, khối ngoại đang “áp đảo” khối nội trong hoạt động M&A thời gian gần đây.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội chiếm đa số, với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, quanh mức 5 triệu USD. Trong khi đó, các thương vụ của nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, từ 30 đến trên 100 triệu USD. Đáng chú ý là, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng có quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
“Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, bất động sản thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, còn Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường”, ông Minh nhận xét.
Ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn ABB Việt Nam thì cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành bán lẻ, phân phối, tiêu dùng nhanh, nông nghiệp và dịch vụ tài chính. Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có nhu cầu mua lớn nhất trong các ngành này”.
Bất động sản - món “khoái khẩu” của khối ngoại
Nhật Bản là quốc gia có tổng số thương vụ nhiều nhất trong 2 năm 2015 - 2016 với 35 thương vụ và đứng thứ 2 về tổng giá trị, đạt 728 triệu USD.
Nhật Bản không phải là cái tên xa lạ khi họ là quốc gia khởi đầu làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam vài năm trước với sự tham gia của các đại gia khối bán lẻ, tài chính -ngân hàng, công nghiệp. Năm 2015 - 2016, Nhật Bản góp mặt với các thương vụ rất đáng chú ý như JX Nippon Oil & Energy mua lại 8% cổ phần của Petrolimex, Tập đoàn Creed Group chi 200 triệu USD mua 20% Dự án An Gia Investment, ANA Holdings chi 108 triệu USD mua 8,77% cổ phần của Vietnam Airlines, Taisho bỏ 100 triệu USD mua 24% cổ phần của Dược Hậu Giang… Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước ASEAN về số lượng các thương vụ M&A từ Nhật Bản trong 2 năm 2015 và 2016.
Ngoài các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất chú ý đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn đến ngành xây dựng và bất động sản tại Việt Nam. “Chúng tôi đã nhận được số lượng ủy thác ngày càng lớn và vẫn thường tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến người tiêu dùng”, ông Yoshida cho biết.
Còn các doanh nghiệp đến từ Singapore tập trung vào việc mua lại các dự án và bất động sản tại TP.HCM, như Duxton Hotel Saigon, Empire City, Somerset Vista HCMC, Kumho Asiana Plaza.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thì các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.
Có thể thấy rằng, với quy định mới cho phép khối ngoại được sở hữu và đầu tư địa ốc tại Việt Nam, nhiều tòa nhà văn phòng đã hoạt động hoặc đang xây dựng đang được khối ngoại quan tâm săn lùng mua để đón đầu cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Hiện tượng bán lẻ” và mục đích của các ông chủ Thái
Nếu như nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến bất động sản, tài chính, dược phẩm, thì “khẩu vị” ưa thích các nhà đầu tư Thái Lan là bán lẻ.
Top 3 thương vụ giá trị nhất năm 2015 - 2016 thuộc về các thương vụ mua lại hoặc phát hành riêng lẻ từ các nhà đầu tư Thái Lan. Đó là thương vụ Central Group mua lại BigC từ Tập đoàn Casino với giá 1,145 tỷ USD, thương vụ Singha Group chi 1,1 tỷ USD để sở hữu cổ phần của Masan
Consumer Holdings và Masan Brewery (thuộc Tập đoàn Masan Việt Nam) và thương vụ Tập đoàn TCC Holding mua Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 695 triệu USD.
Nguyên nhân khiến các nhà bán lẻ Thái Lan tập trung mở rộng thị trường trong khu vực là việc AEC hình thành vào năm 2015, với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Trong khi đó, ngành bán lẻ nội địa Thái Lan đã trưởng thành, có lợi thế hơn các nhà bán lẻ ngoại khác và đây là thời điểm thích hợp để họ mở rộng kinh doanh bán lẻ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam và Indonesia.
Việc thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư Thái Lan đang muốn đạt một “độ phủ” rộng lớn trong bán lẻ, đủ để khống chế cuộc chơi trong tương lai gần.
Mặt khác, theo ông Peter Sorensen, nhà đầu tư Thái Lan cần đa dạng hóa các khoản đầu tư ngoài thị trường nội địa. “Chi phí vốn vay ở Thái Lan vẫn còn thấp, nên việc đầu tư ra nước ngoài là giải pháp hợp lý cho các tập đoàn. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan về văn hóa tiêu dùng và quy mô thị trường, vì vậy các nhà kinh doanh Thái có thể tiếp cận thị trường Việt Nam một cách tự nhiên và nhanh chóng”, ông Peter Sorensen nói.
Có thể thấy rằng, việc “chiếm chỗ” trước trong ngành hàng bán lẻ, sau đó là các ngành hàng tiêu dùng, qua đó khống chế ngành sản xuất là một “nước cờ” cao tay của các ông chủ Thái. Họ đang khao khát bành trướng ra nước ngoài, thông qua M&A để mở rộng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường nội địa. Sự thâm nhập mạnh mẽ của Thái Lan thông qua các thương vụ M&A mấy năm gần đây khiến ngành bán lẻ trở thành một hiện tượng điển hình trên thị trường M&A.
Khối ngoại tiếp tục quan tâm lĩnh vực nào?
Theo Báo cáo của StoxPlus, nhiều động thái của khối ngoại cho thấy, họ đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, với việc xây dựng các nhà máy mới và thâu tóm các công ty phù hợp để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Ngành hàng và dịch vụ công nghiệp, dệt may được kỳ vọng sẽ có sự gia tăng đột biến về các thương vụ M&A từ các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016. Trong đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang dành sự chú ý lớn vào thị trường bao bì nhựa mềm rất tiềm năng của Việt Nam, với hàng loạt thương vụ M&A đã diễn ra với các công ty trong lĩnh vực này.
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp thuộc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng tích cực, việc tham gia TPP, AEC và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), cũng như việc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết tiếp tục khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương vụ M&A. Chúng tôi kỳ vọng vào sự gia tăng số lượng giao dịch M&A bởi các nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, bất động sản, công nghiệp sản xuất và hàng tiêu dùng”.
Theo ông Đặng Xuân Minh, với ưu thế về vốn, kỹ thuật, công nghệ quản trị, khối ngoại đang thắng thế trong cuộc đua M&A trước thềm không gian kinh tế mở. Dự kiến năm 2016 - 2017, cuộc đua M&A giữa khối nội và khối ngoại sẽ diễn ra sôi động.
“Trong cuộc đua giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau, giữa khối ngoại và khối nội tìm cơ hội đầu tư tốt nhất trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Năm 2016, thị trường M&A Việt Nam rất có thể đạt kỷ lục mới, với số lượng giao dịch dự kiến đạt con số 600, giá trị 6 tỷ USD. Những thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực sẽ xuất hiện, đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong khu vực ASEAN về thu hút dòng vốn FDI và M&A”, ông Minh nhận định.