Sóng “ngầm” M&A ngân hàng sẽ tiếp tục nổi
M&A lĩnh vực ngân hàng được đánh giá vẫn sôi động trong giai đoạn cuối của quá trình thực hiện đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động này đang khá im ắng.
Hiện nay, thị trường đang chờ đợi một số thương vụ M&A mới trong lĩnh vực ngân hàng và việc hoàn tất thương vụ đã được đề cập trước đó là PGBank sáp nhập vào Vietinbank.
Ngoài thương vụ này, hoạt động M&A có vẻ khá im ắng khi các nhà băng quy mô nhỏ đều cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề án tái cấu trúc bằng nội lực. Trong đó, có Nam A Bank, VietA Bank, OCB, SaigonBank, BacA Bank, Viet Capital Bank, KienlongBank, NCB…
Thế nhưng, nếu xét về quy mô vốn điều lệ, nhiều ngân hàng trong số này chỉ mới đáp ứng được mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng hoặc nhỉnh hơn chút. Kế hoạch nâng cao tiềm lực tài chính, sức cạnh tranh đã được các nhà băng trên xây dựng và kỳ vọng sớm hoàn tất, song không dễ dàng thực hiện khi thị trường còn khó khăn, cổ phiếu ngân hàng không dễ thu hút nhà đầu tư.
Trong khi đó, lượng cung cổ phiếu “vua” ngày càng gia tăng khi sức ép thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đẩy mạnh. Đồng thời, các nhà băng có sở hữu trên 5% tại ngân hàng khác cũng phải đáp ứng lộ trình thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Vì thế, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, tăng được vốn điều lệ trong bối cảnh này là bài toán khó cho ngân hàng nhỏ.
Thực tế cho thấy, Saigonbank,VietA Bank… đã nhiều lần thất bại đối với kế hoạch nâng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Mới đây, VietA Bank cho biết, nhà băng đã tăng được vốn từ 3.000 tỷ đồng lên gần 3.500 tỷ đồng, nhưng tham vọng nâng vốn lên 4.000 tỷ đồng xem ra chưa dễ thực thi.
Với các nhà băng nhỏ, việc thu hút được trên dưới 1.000 tỷ đồng tái cơ cấu lúc này quả thực khó khăn. Điển hình như DongA Bank, vào cuối năm 2015 xuất hiện thông tin Tập đoàn Kinh Đô sẽ rót 1.000 tỷ đồng vào nhà băng này để trở thành cổ đông lớn, cùng DongA Bank tái cấu trúc lại bộ máy, xử lý nợ xấu.
Thế nhưng, khi việc mua - bán trên chưa được thương thảo xong thì DongA Bank rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và Tập đoàn Kinh Đô nhanh chóng rút lui. Hay tại GPBank, cổ đông nước ngoài là Tập đoàn UOB (Singapore) muốn mua lại 100% vốn của nhà băng này để tái cơ cấu, nhưng cổ đông ngân hàng không tìm được sự đồng thuận, cuối cùng phải bán lại 0 đồng cho Ngân hàng Nhà nước…
Do vậy, theo các chuyên gia tài chính, nếu không thu hút được nguồn vốn, tăng khả năng tài chính, sức ép M&A đối với ngân hàng nhỏ rất lớn, thậm chí ngay cả nhà băng có quy mô lớn hơn cũng chịu áp lực. Điển hình, câu chuyện sáp nhập Nam A Bank - Eximbank vẫn chưa khép lại khi thị trường đang chờ đợi Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba của Eximbank sẽ diễn ra vào ngày 2/8.
Mặc dù M&A ngân hàng nửa đầu năm không sôi động sau thương vụ SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, song nhiều nhận định cho rằng, làn sóng M&A lĩnh vực này chưa kết thúc. Sóng “ngầm” sẽ tiếp tục nổi khi làn sóng thoái vốn theo quy định của Thông tư 36 lên cao trào và tái cấu trúc ngành vào giai đoạn cuối, với chủ trương chỉ cần khoảng 15 - 20 ngân hàng vững mạnh trong hệ thống.