Chiến lược mới của các nhà đầu tư chứng khoán
Trước việc dư địa tăng giá ở nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô đã bị thu hẹp sau đà tăng mạnh và kéo dài thời gian qua, dòng tiền chuyển hướng săn đón cổ phiếu của những doanh nghiệp dự kiến sẽ “về đích” kinh doanh sớm.
Chất xúc tác của mốc 1.000 điểm
Năm 2020, trước tác động của Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhiều lần chao đảo. Những ngày giao dịch đầu năm, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những đợt bán tháo lịch sử, Vn-Index thậm chí có lúc lùi về mức 65x điểm vào hồi cuối tháng 3.
Tuy nhiên, sự tham gia tích cực của thế hệ nhà đầu tư F0 đã “giải cứu” thị trường và đến nay, sau tất cả những thăng trầm thì Vn-Index cũng về lại vùng giá trước khi Covid-19 xuất hiện, thậm chí tăng trưởng dương so với đầu năm 2020.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã tiến hành chốt lãi, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trong giai đoạn hiện nay. |
Đóng góp lớn nhất vào đà tăng của các chỉ số đến từ mức tăng của các nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, Vingroup, thực phẩm, thép... Trong đó, HPG (Hòa Phát) và CTG (Vietinbank) là 2 cổ phiếu có mức tăng giá và tỷ trọng ấn tượng nhất.
Cụ thể, nhờ các yếu tố tích cực từ nội tại doanh nghiệp cũng như ngành thép mà cổ phiếu HPG hiện có mức tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng vốn hóa trên HoSE nâng từ 1,7% lên 3,1%.
Đà tăng trưởng của cổ phiếu HPG đã giúp Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long vượt qua ông Trần Bá Dương, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang để trở thành người giàu thứ 3 Việt Nam.
Theo số liệu của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long tính đến ngày 23/11 đã tăng lên 1,8 tỷ USD.
Trong khi đó, CTG là một trong những cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh với mức tăng hơn 43% so với cùng kỳ, giúp tỷ trọng vốn hóa tăng từ 2,4% lên 3,5%.
Yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu CTG bùng nổ là Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-NĐ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý cho Vietinbank có thể tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo nhận định của ông Lê Quang Minh – Giám đốc Bộ phận Phân tích, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, hỗ trợ đà tăng của các nhóm cổ phiếu nói trên là kỳ vọng vào sự hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô.
Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép – tôn mạ sẽ được hưởng lợi nhờ yếu tố đầu tư công cũng như sự tăng trưởng trở lại của thị trường xuất khẩu. Còn đối với nhóm ngân hàng là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tăng cường trích lập nợ xấu, qua đó giúp ngành ngân hàng vẫn duy trì được thanh khoản và tăng trưởng lợi nhuận khi "sạch nợ" tại VAMC.
Lựa chọn chiến lược
Hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định, về dài hạn thị trường chứng khoán vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng do còn nhiều yếu tố hỗ trợ như môi trường lãi suất thấp, các kênh đầu tư khác vẫn trong bối cảnh “ảm đạm”.
Tuy nhiên, với diễn biến thị trường như hiện nay, dư địa tăng giá ở phần lớn các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô đã bị thu hẹp dù vẫn được nhận định là nhóm hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.
Thay vào đó, “đây là lúc phải chọn lọc cổ phiếu, đặc biệt chú trọng vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và tăng trưởng trở lại trong năm 2021”, ông Lê Quang Minh nhận định.
Cũng theo ông Minh, rất nhiều dự án bất động sản sẽ được mở bán trở lại vào năm 2021, qua đó giúp cổ phiếu bất động sản phục hồi mạnh mẽ. Hay như nhóm dệt may với sự linh hoạt trong hình thức kinh doanh đã “vượt khó” thành công trước những tác động của Covid-19.
Có thể kể đến đơn vị có chuỗi sản xuất khép kín như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã:TCM).
Tính đến hết tháng 9/2020, Dệt may Thành Công đạt doanh thu 2.718 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ và bằng 71,9% kế hoạch năm; nhưng lợi nhuận lại đạt 200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ và bằng 105,8% kế hoạch năm.
Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, trong quý IV đơn hàng đồ bảo hộ y tế không nhiều như các quý trước, nhưng đơn hàng truyền thống đang phục hồi (tập trung ở hàng thể thao, thun). Cả năm 2020, dự đoán lợi nhuận sau thuế của công ty có thể vượt 30% kế hoạch.
Một doanh nghiệp khác cũng đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm sau 9 tháng là CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) với lợi nhuận đạt 705 tỷ đồng (kế hoạch năm là 700 tỷ đồng)
Kế hoạch kinh doanh quý IV của Hóa chất Đức Giang là doanh thu 1.750 tỷ đồng, tăng 21%; lãi sau thuế 240 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Với những gì đã đạt được, kế hoạch này không phải quá khó đối với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nhìn chung, triển vọng “kiếm lời” trên sàn chứng khoán vẫn luôn tươi sáng, nhưng dòng tiền thông minh sẽ liên tiếp chuyển hướng, nhằm tìm kiếm những cơ hội mới.