Phó Thủ tướng Chính phủ:
Chiến lược năng lượng hydrogen cần phải nghiên cứu rất kỹ
Việc xây dựng Chiến lược năng lượng hydrogen ở Việt Nam cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và khoa học để xác định rõ về phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Xét báo cáo, kiến nghị của Bộ Công Thương, gửi Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, phát triển năng lượng hydrogen là lĩnh vực mới, được nhiều nước trên thế giới rất quan tâm và xây dựng chiến lược phát triển phục vụ cho chuyển dịch năng lượng bền vững.
Vì vậy, việc xây dựng Chiến lược năng lượng hydrogen ở Việt Nam cần phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng và khoa học để xác định rõ về phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, đảm bảo chặt chẽ, có căn cứ, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với năng lực, điều kiện của Việt Nam.
Chiến lược cần tiếp cận từ chính sách, pháp luật, nghiên cứu, đào tạo, các hệ sinh thái công nghiệp hydrogen.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam… rà soát, nghiên cứu bổ sung các nội dung, xem xét tổ chức hội thảo với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và các nhà khoa học để tiếp thu thêm ý kiến để hoàn thiện Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo cơ quan này, trên thế giới, năng lượng hydrogen được xem là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về năng lượng hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Một số quốc gia điển hình đi đầu có thể kể đến EU, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Canada, Mỹ... Trong đó, EU đã đặt mục tiêu đạt 13-14%, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 10% và 33% về tỉ lệ năng lượng hydrogen trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050.
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đề xuất Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất được 100.000 - 500.000 tấn hydrogen vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Số lượng này tương đương chiếm 5 - 10% nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước, đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong quy hoạch năng lượng quốc gia.
Năng lượng hydrogen dự tính phục vụ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện, giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác (lọc dầu, phân bón, luyện kim, xi măng...).
Trong khi đó, tại một hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hàng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa.