Chiến tranh thương mại, dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ và Trung Quốc, rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi

Theo Hóa Khoa/nhadautu.vn

Việc S&P 500 giảm điểm đã khiến thị trường khu vực mới nổi bị rút ròng 5,5 tỷ USD, qua đó các thị trường chứng khoán (TTCK) tại khu vực này đồng loạt giảm mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, TTCK khu vực vẫn chưa thể hồi phục dù S&P đã tăng trưởng trở lại. Đâu là lý do?

Bất chấp chiến tranh thương mại, dòng vốn vẫn ổn định ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nguồn: internet
Bất chấp chiến tranh thương mại, dòng vốn vẫn ổn định ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nguồn: internet

Bất chấp chiến tranh thương mại, dòng vốn vẫn ổn định ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Bộ phận SSI Research nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc và đồng nhân dân tệ (CNY) của nước này trong tháng 9 không quá tiêu cực, bất chấp cuộc chiến tranh thương mại.

Thống kê TTCK Trung Quốc – Shanghai Composite Index và đồng CNY đều có diễn biến đi ngang.

Một hiện tượng khác cũng đáng chú ý là dòng tiền vẫn đổ vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc và điều này vẫn được duy trì gần như liên tục kể từ khi nổ ra chiến tranh thương mại. SSI Research diễn giải, trong 13 tuần kể từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ có 2 tuần các quỹ này có hiện tượng dòng tiền rút ròng và giá trị cũng ở mức rất nhỏ. Xét theo thời điểm, tuần ngay sau khi Mỹ áp thuế đợt 1 (tháng 6) và đe dọa áp thuế đợt 2 (tháng 9), dòng tiền đổ vào tăng mạnh lên 1 tỷ USD và gấp nhiều lần các tuần trước đó.

Sự tăng trưởng mạnh của dòng vốn khiến SSI Research đặt nghi vấn. Liệu nhà nước đã chỉ định các doanh nghiệp Trung Quốc ở ngoài chuyển tiền qua các quỹ để hỗ trợ TTCK? “Ở một quốc gia mà nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế tài chính như Trung Quốc thì điều này hoàn toàn có thể”, SSI Research đánh giá.

Tuy vậy, cần phải nhận thấy việc dòng vốn ổn định cũng hỗ trợ cho sự ổn định của dự trữ ngoại hối và đồng CNY. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng với Việt Nam khi đồng CNY được kiểm soát chặt, áp lực lên VND cũng sẽ giảm. Cùng với đó, các thông tin từ xuất siêu hay M&A vào Việt Nam trong tháng 8 và tháng 9 cũng giúp đồng VND có cơ hội lên giá trở lại so với đồng VND.

 Chiến tranh thương mại, dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ và Trung Quốc, rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi  - Ảnh 1

Về phía Hoa Kỳ, chiến tranh thương mại dù có nổ ra nhưng không tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế Mỹ. Điều này có thể lý giải qua xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,9% GDP của nước này. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ sang Trung Quốc là máy bay (16 tỷ USD), máy móc (13 tỷ USD), đậu tương (13 tỷ USD) và ô tô (13 tỷ USD).

Dòng vốn tiếp tục đổ vào Mỹ. Trong 4 tuần gần nhất, dòng vốn chảy vào Mỹ 3 tuần và đạt mức ròng trong 4 tuần là +9,1 tỷ USD trong khi nhóm quỹ GEM cả 4 tuần đều bị rút ròng.

Chiến tranh thương mại giai đoạn 2 hiện rõ đã khiến dòng tiền ra trong tuần gần nhất ở nhóm quỹ GEM tăng lên đến mức 1,6 tỷ USD, cao nhất 11 tuần.

Tính chung từ đầu tháng 7 đến nay, tổng dòng tiền vào của các quỹ cổ phiếu của Mỹ là +20,7 tỷ USD trong khi nhóm quỹ GEM dòng tiền thuần rút ra là 5,5 tỷ USD. Thị trường Mỹ đang là thị trường có sức hút với dòng vốn rõ nhất.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng 2,8% và tính từ ngày 15/6/2018, ngày chính thức nổ ra chiến tranh thương mại, chỉ số S&P 500 đã tăng 5,4% trong khi đó chỉ số MSCI EM Index đại diện cho các thị trường mới nổi giảm 6.9%.

 Chiến tranh thương mại, dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ và Trung Quốc, rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi  - Ảnh 2
 Chiến tranh thương mại, dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ và Trung Quốc, rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi  - Ảnh 3

TTCK khu vực đồng loạt giảm điểm

Cú giảm sâu của TTCK Mỹ vào đầu tháng 2 sau báo cáo việc làm khả quan (làm tăng khả năng FED nâng lãi suất) được coi là khởi đầu cho xu hướng bán ròng và rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.

 Chiến tranh thương mại, dòng tiền vẫn đổ vào Mỹ và Trung Quốc, rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi  - Ảnh 4

Cần phải khẳng định, xu hướng mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng rõ rệt với xu hướng của TTCK với tất cả chỉ số chứng khoán đạt đỉnh trong tháng 1 và giảm dần từ tháng 2. Một điều đáng để ý là, dù S&P500 đã vượt đỉnh tháng 1 nhưng các chỉ số chứng khoán tại khu vực vẫn chưa thể quay lại vùng đỉnh.

Giải thích cho điều này, SSI Research nhận định bởi các lý do sau: (1) Chiến tranh thương mại ngày càng leo thang; (2) Chiến tranh thương mại lây lan và chủ nghĩa bảo hộ trở thành một công cụ sử dụng thường xuyên hơn, có thể thấy từ Thổ Nhĩ Kỳ; (3) Kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm tốc và có thể còn giảm sâu hơn do chiến tranh thương mại; (4) FED tăng lãi suất  và xu hướng thu hẹp bảng cân đối kế toán của tổ chức này trong tương lai xa hơn sẽ giảm nguồn cung tiền giá rẻ cho đầu tư mạo hiểm; (5) Dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi sẽ bị sứt hút từ Hoa Kỳ giữ lại do kinh tế nước này đang trong giai đoạn hoàng kim với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp hàng thập kỷ (3,9%).