Chiến tranh thương mại, tiền tệ và công nghệ Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi?

Theo Hoàng An/nhadautu.vn

Tờ Thời báo Á châu (Asia Times) cho rằng từ điểm nóng địa chính trị Biển Đông, cho đến vấn đề Đài Loan rồi đến chiến tranh thương mại, tiền tệ và công nghệ, việc Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu là điều không thể tránh khỏi. Và liệu những căng thẳng này có gây ra chiến tranh giữa hai cường quốc hay không?

Khó tránh khỏi một cuộc chiến hỗn hợp gồm kinh tế, thương mại, công nghệ, tin học giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ảnh minh họa AFP
Khó tránh khỏi một cuộc chiến hỗn hợp gồm kinh tế, thương mại, công nghệ, tin học giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ảnh minh họa AFP

Theo Asia Times, những bài học trong lịch sử cho thấy có thể có 3 kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc trên thế giới: chiến tranh thế giới lần 3, chiến tranh lạnh 2.0 và các cuộc chiến ủy nhiệm khu vực.

Kịch bản thứ nhất có lẽ sẽ là một cuộc chiến tàn khốc nhất khi Hoa Kỳ coi Trung Quốc là một mối đe dọa cho an ninh thế giới, tìm kiếm bá quyền bằng cách bành trước quân sự. Nếu Trung Quốc hành xử và đi theo con đường của nước Đức quốc xã hay Nhật Bản trong hai cuộc đại chiến đã qua, đi xâm lược, chiếm đóng và theo đổi mô hình thực dân đế quốc, nước này có phạm những tội ác diệt chủng hay không? Tương tự, điều gì sẽ khiến Mỹ phải tham chiến, thí dụ như một trận Trân Châu Cảng trong quá khứ chẳng hạn?

Kịch bản 2 là mức độ gia tăng của chiến tranh lạnh, kiểu như phiên bản 2 của chiến tranh lạnh (2.0), với nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Đây sẽ không còn là một trận chiến tư tưởng, không gian và làm chủ hạt nhân nữa, mà là một cuộc chiến thương mại, tiền tệ, công nghệ, tin học và thậm chí là một cuộc chiến hỗn hợp, kết hợp nhiều yếu tố của tất cả hay một phần những thứ nêu trên.

Cuộc đua tranh thống trị các định chế đa phương có thể là một mặt trận của cuộc chiến tranh lạnh 2.0 và điều này khiến các nước chia rẽ trong quá trình phân cực dưới tác động của dự án Vành đai-Con đường của Trung Quốc hay chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi Trung Quốc gia tăng đóng góp tài chính cho các định chế đa phương trong khi Hoa Kỳ không rút khỏi hệ thống đa phương đó, dù phần đóng góp giảm đi. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tạo ra được một hệ thống quản trị toàn cầu cả trong kinh tế lẫn trong chính trị và cũng chưa có nước nào tuyên bố chấp nhận một mô hình quản trị toàn cầu của Trung Quốc

Kịch bản thứ 3, cũng là kịch bản đáng lo ngại nhất là một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là sàn đấu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giống trong chiến tranh lạnh 1.0 sẽ tạo ra các cuộc chiến nóng giữa các quốc gia trong khu vực.

Cho dù Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không muốn độ sức trực tiếp nhưng cuộc chiến tranh ủy nhiệm có thể xảy ra và những nước nhỏ trong khu vực sẽ phải trả giá đắt bởi những nước này sẽ bị chia rẽ trong quá trình phân cực mới. Và cũng giống như trong quá khứ, sự im lặng và tính trung lập sẽ không phải là giải pháp.

Trong 3 kịch bản chiến tranh này, sẽ có rất ít các giải pháp chính trị nhưng lại rất nóng đối với các nước nhỏ trong khu vực và các cuộc chiến tranh lạnh thực sự chỉ 'lạnh' đối với các cường quốc thôi. Tuy nhiên, các nước cũng vẫn có thể giữ được an toàn và đảm bảo hòa bình nếu học được các bài học trong quá khứ.