Chiêu trò nào khiến giá đất Đà Nẵng "phi mã"?

Thao Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều chuyên gia nhận định, việc sốt đất cục bộ ở Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua là do những nhà đầu cơ thổi giá, bởi những khu vực này chưa thực sự phát triển nên khó có người có nhu cầu thực đầu tư.

 Thị trường lúc này là của giới đầu cơ, nhà đầu tư ngoại tỉnh và môi giới. Nguồn: Internet
Thị trường lúc này là của giới đầu cơ, nhà đầu tư ngoại tỉnh và môi giới. Nguồn: Internet

Trong khoảng một tháng nay, cơn sốt đất đã quét qua một số xã còn làm nông nghiệp như Hòa Châu, Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và lan sang cả khu vực thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Tương tự như các cơn sốt đất ở Phú Quốc hay Vân Đồn, đất tại khu vực xã Hoà Tiến, Hoà Châu "sau một đêm ngủ dậy" giá tăng lên với mức tăng phi lý. Từ trước Tết Kỷ Hợi 2019, một thửa đất 140m2 có giá 140 triệu đồng thì nay đã bán với giá xấp xỉ 1 tỷ đồng. Các thửa đất 200m2 sau một tháng đã có giá lên tới 1,6 tỷ đồng.

Thức dậy thành tỷ phú

Giá đất quê tăng chóng mặt khiến người dân đứng ngồi không yên. Cò đất đã "lùng" vào tận các ngõ nhỏ trong xóm để mua đất vườn của người dân trong thôn, thậm chí nhiều người còn san lấp ao hồ để bán.

Không chỉ đất trong dân, đất dự án như Golden Hills cũng tăng giá chóng mặt. Trước Tết một lô có giá 2,5-2,7 tỷ đồng, thì nay có giá 3,5 tỷ đồng. Chỉ cần ngồi chơi, bỏ ít vốn ra mà một tháng có thể dễ dàng thu lời ngay 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo ghi nhận, giá đất nền tại các dự án đô thị khu vực thuộc thị xã Điện Bàn cũng tăng rất mạnh so với năm ngoái. Bình quân, giá đất tăng từ 300 đến hơn 1 tỷ đồng/lô tùy vào vị trí.

Qua tìm hiểu, đất ở những khu vực này tăng giá trong những ngày vừa qua là do "cò" thổi giá lên. Chiêu thức được các "cò" sử dụng là khu vực Hòa Tiến huyện Hòa Vang sẽ được triển khai dự án tái định cư, trường đua ngựa.

Thêm nữa, mới đây trên trang mạng xã hội đăng tải thông tin Đà Nẵng tách 4 xã của huyện Hòa Vang để thành lập quận mới, khiến đất khu vực này tăng chóng mặt, nhiều người bán cả ao, vườn.

Trên trang facebook "Hội Mua Bán Nhà và Đất Tại Đà Nẵng" xuất hiện thông tin "TP. Đà Nẵng đang chuẩn bị có quận mới được thành lập mang tên quận Hiếu Đức".

Lãnh đạo UBND xã Hòa Tiến khẳng định trên địa bàn không có dự án gì sắp triển khai, nhất là dự án lớn phải giải tỏa rộng, tái định cư. Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, chiều 7/3, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, đã ký văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng về thông tin phản ánh Đà Nẵng thành lập quận mới đăng trên mạng xã hội.

Văn bản này cho hay, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Hòa Vang chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để chia tách thành hai đơn vị hành chính. Như vậy, thông tin việc lập quận mới là hoàn toàn không chính xác.

Những quyết định kịp thời

Trước tình trạng hỗn loạn về mua bán đất đai, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 06 yêu cầu UBND, các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng mọi hoạt động tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các địa phương vùng Đông Quảng Nam.

Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Nam có thêm văn bản yêu cầu dừng các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất với ba dự án của công ty Bách Đạt An gồm Bách Đạt 1, 7B mở rộng và HEARA COMIPLEX RIVERSIDE (thuộc Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Đồng thời, ngày 5/3, UBND huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) có văn bản cảnh báo người dân địa phương về tình trạng "cò" đất hoạt động, thổi giá đất để mua đi bán lại trên địa bàn.

Phân tích về cơn sốt đất tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, cho rằng không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân khiến giá đất tăng phi mã là do tác động của chính sách vĩ mô. Giới "cò" đã lợi dụng chính sách này để thổi giá đất lên.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị ban hành tháng 1/2019 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định thành phố trở thành đô thị hạt nhân, đầu tàu phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Trong đó, lĩnh vực mũi nhọn cần phát triển là kết cấu hạ tầng đô thị và các dự án tiềm năng đi kèm.

Trong buổi Tọa đàm mùa xuân 2019 vừa qua cũng đã có gần 400 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 13 dự án khác với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3,6 tỷ USD được phép nghiên cứu đầu tư. "Đây là xung lực mạnh khiến thị trường bất động sản Đà Nẵng dậy sóng thời gian qua", ông Lập khẳng định.

Cùng với đó, tại các khu vực này có nguồn cung ít ỏi do hàng loạt dự án bị dừng triển khai, chờ kiểm tra, gây tắc nghẽn cũng là một nguyên nhân.

Tuy nhiên, ông Lập cũng nhận định, cơn sốt đất tại thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện đang chịu nhiều sự chi phối bởi giới đầu cơ và nhà đầu tư. Hiện có rất ít người có nhu cầu thực tham gia thị trường này.

Ông Lập khẳng định, thị trường lúc này là giới đầu cơ, nhà đầu tư ngoại tỉnh và môi giới. Những đơn vị này tiếp tay cho các tổ lái "bơm, thổi" tạo bong bóng, để các "cá mập" xả hàng. Người ở lại đa phần là nhà đầu tư thứ cấp "kém may mắn", chưa kịp bán sang tay kiếm lời hoặc những đối tượng mua để đầu tư lâu dài.