“Nóng” tranh chấp tại các khu chung cư
Sự phát triển “nóng” của các khu đô thị và tòa nhà chung cư tại một số địa phương đang kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng đô thị, đặc biệt là trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng các chung cư này.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo những quyền lợi cho người dân. Trong đó, tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Đáng chú ý tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã phân rõ và giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, Ban Quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có liên quan; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Tăng cường và siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm theo thẩm quyền...
Tuy nhiên, đến nay, bất chấp những nỗ lực từ cơ quan quản lý, công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tồn tại nhiều vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng: Nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê… là những tranh chấp gay gắt nhất trong thời gian qua với 40/108 dự án, chiếm khoảng 37%. Tiếp đến là tranh chấp liên quan đến phần kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chiếm khoảng 36% tổng số vụ tranh chấp...
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2018, trên cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, chủ yếu xảy ra tại các dự án trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tính đến thời điểm tháng 2/2019 trên địa bàn TP. Hà Nội có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó 492 chung cư đã tổ chức được Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị, 392/492 chung cư có Ban Quản trị đã bàn giao hồ sơ, 338/492 chung cư đã bàn giao diện tích sở hữu chung và mới chỉ có 238/492 chung cư có Ban Quản trị này đã được chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, kiện cáo, gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận. Trong đó, mới đây nhất là việc cộng đồng mạng chia sẻ việc chủ đầu tư "dằn mặt" bằng cách cắt hết điện, nước sinh hoạt của một hộ dân tại khu chung cư Happy Star Tower (Khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội). Vì bị cắt điện nước nên hộ dân này phải xin nước và câu điện từ hàng xóm về dùng, vừa bất tiện, vừa nguy hiểm, mà cũng chỉ đủ để giải quyết những nhu cầu tối thiểu...
Trong khi đó, số liệu tổng hợp sơ bộ cho thấy, tại TP. Hồ Chí Minh có 1.367 tòa chung cư với 141.062 căn hộ, với tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m2. Trong đó, có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp…
Việc khẩn trương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, giải quyết dứt điểm kịp thời những tranh chấp, khiếu nại ngày càng "nóng" đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi bên cạnh những trách nhiệm không thể chối cãi của chủ đầu tư, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi xảy ra tranh chấp trong việc giải quyết, xử lý thỏa đáng những bức xúc, khiếu nại của cư dân tranh chấp với chủ đầu tư, để vụ việc kéo dài… Rõ ràng, đây tiếp tục là bài toán khó mà các cơ quan liên quan cần phải tìm ra lời giải trong thời gian tới.
Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2127/2011/QĐ-TTg về việc Phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, theo đó mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt (TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) sẽ đạt trên 90%, tại đô thị từ loại I đến loại II sẽ đạt trên 60% và tại đô thị loại III sẽ phấn đấu đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới.