Chính phủ các nước đang làm gì để phục hồi nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn/Economist

Tuần cuối cùng của tháng 2 chứng kiến việc thị trường tài chính 'giật mình' trước tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên trong tháng 3 các nhà hoạch định chính sách đã thực sự hành động để hỗ trợ các nền kinh tế.

 FED dự kiến sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế  Ảnh: CNN
FED dự kiến sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Ảnh: CNN

Việc nhận ra rằng GDP toàn cầu có thể sẽ bị thu hẹp trong năm nay, và nguy cơ khủng hoảng tài chính và khủng hoảng tín dụng, đã khiến các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vào ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5%, hai tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ. Tương tự, các ngân hàng trung ương ở Úc, Canada và Indonesia cũng đã cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng nước Anh dự kiến cũng sẽ có những kế hoạch hỗ trợ trong thời gian sắp tới.

Nếu những dự đoán về thị trường tiền tệ là đúng, chắn chắn sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm của Fed. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng một loạt biện pháp cắt giảm lãi suất có thể không phải là giải pháp triệt để cho sự suy thoái này. 

Sự căng thẳng trên thị trường cũng bắt nguồn từ đặc thù của cú sốc mà nền kinh tế phải đối mặt liên quan đến cung, cầu và hiệu ứng niềm tin. Thời gian của sự gián đoạn chủ yếu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ dịch và các biện pháp y tế công cộng được thực hiện để ngăn chặn virus.

Trước những điều không chắc chắn đó, các nhà hoạch định chính sách biết rằng trong khi cắt giảm lãi suất là một lựa chọn, họ cũng cần các biện pháp tài chính khác để giúp các doanh nghiệp và cá nhân chịu được khủng hoảng tiền mặt tạm thời.

Một cách khác để COVID-19 gây tổn hại cho nền kinh tế đó chính là làm gián đoạn nguồn cung lao động, hàng hóa và dịch vụ. Hàng ngàn người nhiễm bệnh, trường học đóng cửa, buộc phụ huynh phải ở nhà. Hoạt động kiểm dịch có thể buộc các nơi làm việc phải đóng cửa hoàn toàn.

Tại các quốc gia bị ảnh hưởng, người dân đi ra ngoài ít hơn và mua ít hàng hóa hơn. Các biện pháp y tế công cộng cũng hạn chế hoạt động kinh tế. Vì vậy, việc bỏ thêm chút tiền vào tay người tiêu dùng sẽ không thực sự giải quyết được vấn đề.

Sắp tới, các công ty và hộ gia đình sẽ phải đối mặt với khủng hoảng tiền mặt. Hãy tưởng tượng rằng doanh thu của họ cạn kiệt trong ba tháng nhưng họ phải tiếp tục trả chi phí cố định, vì họ vẫn mong đợi sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ sẽ không có đủ tiền mặt dự phòng để vượt qua chúng, và sẽ phải cố gắng vay. Một số có thể phải tuyên bố phá sản.

Các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nhận thấy rằng hơn 12% doanh nghiệp giàu có trên thế giới tạo ra quá ít thu nhập để chi trả cho các khoản thanh toán lãi.

Nhiều công nhân hiện cũng có nguy cơ mất thu nhập và công việc trong khi vẫn phải trả nợ thế chấp và mua hàng hóa thiết yếu. Theo một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang, hơn một phần mười người Mỹ trưởng thành sẽ không thể đáp ứng khoản chi phí 400 USD, tương đương với khoảng hai ngày làm việc với mức thu nhập trung bình. Với nỗi sợ về tài chính cá nhân, mọi người có thể bắt đầu tích trữ tiền mặt hơn là chi tiêu, làm ảnh thưởng thêm đến doanh thu của các công ty.

Mô hình hóa kết quả đạt được cho hoạt động kinh tế không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tại Trung Quốc một tháng trước, một cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng cho thấy sản lượng sản xuất trong tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi các ông chủ nhà máy được khảo sát lần đầu tiên vào năm 2004.

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng GDP toàn cầu sẽ bị thu hẹp với tỷ lệ hàng năm là 2,5% trong quý đầu tiên. Nếu may mắn, sự sụt giảm sẽ kết thúc khi virus ngừng lây lan trên toàn cầu. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, tốc độ và quy mô của sự phục hồi kinh tế cũng phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của các ngành quan trọng trong thời gian vừa qua.

Đó là lý do tại sao các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính đang chuyển sang các kế hoạch can thiệp có mục tiêu rõ ràng hơn. Chúng thuộc ba loại lớn: chính sách đảm bảo dòng chảy tín dụng thông suốt qua ngân hàng và thị trường tiền tệ; các biện pháp giúp các công ty chịu chi phí cố định, như tiền thuê nhà và hóa đơn thuế; và các biện pháp để bảo vệ người lao động bằng cách trợ cấp chi phí tiền lương.

Bắt đầu với dòng chảy tín dụng. Các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính đã cố gắng đảm bảo rằng thị trường sẽ không bị 'đóng băng', mà thay vào đó tiếp tục cung cấp vốn cho những người cần chúng.

Vào ngày 2/3, Ngân hàng Nhật Bản đã hỗ trợ 500 tỷ yên (4,6 tỷ USD) để đảm bảo đủ thanh khoản trong hệ thống. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cung cấp 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP) cho các ngân hàng miễn là họ sử dụng nó để cho các công ty bị ảnh hưởng nặng vay. Ngoài ra, các ngân hàng đã được yêu cầu hỗ trợ các công ty có khoản vay đến kỳ hạn.

Chính phủ cũng đang giúp các công ty với chi phí của họ với hình thức can thiệp thứ hai. Singapore đang có kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp bao gồm giảm thuế đối với tài sản thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc sẽ cung cấp tiền mặt cho các công ty nhỏ đang vật lộn để trả lương. Tại châu Âu, Italy cũng cung cấp tín dụng thuế cho các công ty có doanh thu giảm 25%. Ở Trung Quốc, chính phủ đã yêu cầu các chủ nhà cắt giảm tiền thuê và cho các chủ nhà khu vực tư nhân trợ cấp để làm theo.

Nhóm biện pháp cuối cùng là để bảo vệ người lao động bằng cách ngăn chặn việc sa thải và duy trì thu nhập ổn định. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một đợt cắt giảm tạm thời đối với các đóng góp an sinh xã hội. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ trợ cấp tiền lương của những người buộc phải dành thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc trẻ em hoặc cho người thân bị bệnh. Không chỉ vậy, Singapore còn công bố việc trợ cấp tiền mặt cho những người sử dụng lao động đang phải chịu ảnh hưởng.