Chính phủ quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Minh Hà

Chủ đề của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 là “Phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%”.

Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3%-6,5%. Nguồn: Internet
Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3%-6,5%. Nguồn: Internet

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 được tổ chức ngày 4/10.

Tăng trưởng GDP quý III đạt 6,4%

Nhận định tình hình kinh tế tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2016, các thành viên Chính phủ cho rằng, kinh tế vĩ mô 9 tháng ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, quý sau cao hơn quý trước.Cụ thể, tăng trưởng GDP quý III đạt mức tăng trưởng 6,4%, cao hơn mức tăng trưởng của quý I và quý II với mức lần lượt 5,48% và 5,78%.

“Trong bối cảnh thế giới không thuận, thương mại toàn cầu đang giảm, trong nước phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu là hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nhân, mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đạt 5,93% là sự nỗ lực rất tích cực”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, nếu quý IV tăng trưởng đạt 6,4%, thì cả năm 2016 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6%. Nhưng nếu tăng trưởng tương đương quý IV/2015 là 7%, thì cả năm 2016 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3%. Còn để tăng trưởng cả năm 2016 đạt 6,5%, thì quý IV phải đạt mức tăng trưởng 7,7%. 

Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cần có sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhất là tháo gỡ các rào cản cho sản xuất kinh doanh. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định chi tiết để thi hành các luật.

Vừa qua, Chính phủ cũng dành thời gian tập trung thảo luận xây dựng thể chế. Đó là xây dựng một luật để sửa đổi 12 luật liên quan đến Luật Đầu tư, trình Quốc hội để thông qua Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Đặc biệt, năm 2016 là năm khởi nghiệp doanh nghiệp, từ đó có hành động rất cụ thể hướng về doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế gắn với cải thiện môi trường kinh doanh

Liên quan đến việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 của Việt Nam xếp ở vị trí 60, giảm 4 bậc so với năm 2015, Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, trong các năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 3 năm liền (năm 2014, 2015, 2016), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quan trọng này.

Trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực. Tuy nhiên, do tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng. Do đó, thời gian tới, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều và  nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP; khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng thể chế, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá chiến lược… Nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán tái cơ cấu tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), cơ cấu lại thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, xử lý hiệu quả nợ xấu…) và tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công); tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.

Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh năng suất nội bộ ngành. Phát triển mạnh khu vực tư nhân; phát huy tiềm năng thế mạnh, tăng cường hợp tác liên kết vùng, vai trò đầu tàu và tác động lan toả của các vùng kinh tế động lực./.