Kiên định mục tiêu tăng trưởng 2016
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở mức 6,7% và lạm phát không quá 5%. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mục tiêu này vẫn sẽ thành hiện thực.
Bởi mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở đánh giá khoa học mức độ đạt được của tăng trưởng kinh tế năm 2015 ở mức 6,68% so với năm 2014, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2,109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014 và lạm phát ở mức 0,6% với sự đánh giá triển vọng kinh tế thế giới năm 2016 tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng khoảng 3,8%.
Vì sao các tổ chức quốc tế hạ dự báo?
Gần đây, WB đã hạ mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,2% và lạm phát ở mức 3,5% với lý do: Nền kinh tế toàn cầu có sự suy giảm chung so với nhận định cuối năm 2015; tăng trưởng GDP quí I/2016 của Việt Nam chỉ đạt 5,46% so với mức 6,12% của quý I/2015, với sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra tăng trưởng âm trong nông nghiệp; nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm, nhất là khu vực FDI nguồn xuất khẩu chính của Việt Nam trong quý I cũng giảm mạnh chỉ đạt 8% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 17,7%).
Bên cạnh đó, mặc dù có những viễn cảnh tích cực trong quá trình tái cơ cấu nhưng nhìn chung tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, rủi ro tài khóa gia tăng; dư nợ tín dụng tăng nhanh cũng làm tăng thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Cũng phân tích những nguyên nhân tương tự, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng,tăng trưởng kinh tếcủa Việt Nam khó đạt được mức mục tiêu 6,7% trong năm nay. Nghiên cứu của VEPR trong báo cáo thường niên năm 2016 được công bố ngày 10/5/2016 cũng nhận định và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 ở mức 6% cho kịch bản thấp và dưới 6,5% cho kịch bản có nhiều yếu tố thuận lợi hơn, lạm phát sẽ quanh mức 5%.
Như vậy có thể thấy, đến tháng 4/2016 tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có sự biển động khá nhiều so với những dự báo đầu năm, và những biến động này đã có tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và biến đổi khí hậu toàn cầu thì các nhân tố tác động đến tăng trưởng và lạm phát là rất khó lường.
Chính phủ mới đã xác định được động lực tăng trưởng trong năm 2016, đó là tạo môi trường, thể chế thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
GDP Việt Nam vẫn sẽ là 6,7%
Theo báo cáo phát triển kinh tế xã hội quý I/2016 của Tổng cục Thống kê, cho thấy sự giảm sút trong tăng trưởng GDP quí I/2016 là do sự sút giảm trong tăng trưởng kinh tế ở 2 khu vực nền kinh tế, đó là khu công nghiệp và xây dựng, nhất là ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% thấp hơn đáng kể so với mức 9,27% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do ngành khai khoáng giảm 1,2%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng có 7,9% thấp hơn mức 9,7 % của cùng kỳ năm ngoái, trong khi ngành này đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng chung (2,33 điểm phần trăm). Thứ hai, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm ( giảm 1,23%), làm giảm 0,16 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung.
Phân tích cơ cấu tăng trưởng như vậy, có thể nhìn thấy những điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế những tháng tiếp theo, đó là sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ, bởi đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển của quá trình quá trính hội nhập. Đối với ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, mặc dù WB và một số chuyên gia kinh tế lo ngại, song với đà cải cách và chu kỳ phát triển, trong năm 2016 ngành nayày sẽ tiếp tục có sự khởi sắc hơn năm 2015.
Hơn nữa, đánh giá xu hướng phát triển kinh doanh cho quý II/2016 của Tổng cục thống kê cho thấy, đa số doanh nghiệp cho rằng trong quí tới triển vọng kinh doanh sáng sủa hơn.
Đồng quan điểm, HSBC nhận định: Việc các nhà sản suất đang tuyển dụng nhiều nhân viên hơn (chỉ số việc làm đạt mức cao nhất trong 11 tháng vừa qua), cho thấy triển vọng kinh doanh vẫn tười sáng. Hơn nữa, Chính phủ mới cũng đã xác định được động lực tăng trưởng trong năm 2016, đó là tạo môi trường, thể chế thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, hiện đã và đang triển khai quyết liệt những giải pháp mạnh để tạo động lực cho tăng trưởng.
Mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ rất khó khăn để đạt được tốc độ tăng trưởng như năm 2015 vì khó khắc phục được sự xâm nhập mặn và những ảnh hưởng khó lường của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, đóng góp của ngành này vào mức tăng trưởng chung rất thấp (năm 2015 tăng trưởng 6,04% nhưng chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung). Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5246,6 triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 334,6 triệu USD, chiếm 4,9%; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 242,5 triệu USD, chiếm 3,5%; các ngành còn lại đạt 1063,2 triệu USD, chiếm 15,4%. Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến.
Song, những lo ngại của WB và và một số chuyên gia kinh tế cũng là vấn đề cần tham chiếu, đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp quyết liệt hơn, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế. Vấn đề nợ công tăng, nhất là chi thường xuyên đã vượt mức thu thuế, phải bù đắp từ nguồn thu cho đầu tư phát triển, điều này phản ánh một ngân sách thiều bền vững, sẽ có tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế nếu Chính phủ không có những biến pháp kịp thời chấn chỉnh kỳ luật ngân sách này, bởi đầu tư công là trụ cột cho tăng trưởng. Những tác động khó lường của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, nhất là những ảnh hưởng về chính trị có thể dẫn đến mất thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu của Việt Nam… có thể làm gia tăng lạm phát của Việt Nam.