Nỗ lực giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2016
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quý I/2016, tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 và có những giải pháp đồng bộ nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Nhiều dự báo lạc quan
Quý I/2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 5,46%, thấp hơn so với mức 6,12% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này không quá lo ngại trong bối cảnh nền kinh thế Việt Nam thời gian qua chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016; quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm trong quý 1 không phải là điều đáng lo ngại bởi theo diễn biến chung của nền kinh tế Việt Nam, các quý sau thường tăng trưởng cao hơn quý trước. Do đó, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia dự báo về cơ bản kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng. Thêm vào đó, năm 2016 cũng là năm Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định tự do hóa thương mại. Bởi vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội do các hiệp định này mang lại thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay có thể sẽ đạt được.
Những kết quả bước đầu của nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thời gian qua cũng như các chính sách thúc đẩy cải cách hành chính trong thời gian tới được nhận định là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giữ vững mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay các yếu tố về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên quan đến các yếu tố về môi trường cũng như các yếu tố về cơ cấu. Bởi vậy, những kết quả đạt được trong tiến trình tái cơ cấu suốt từ năm 2011 đến năm 2015 sẽ là động lực giúp đẩy mạnh các yếu tố về tăng trưởng kinh tế trong năm 2016.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo Viễn cảnh kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra nhận định về bức tranh tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, IMF dự đoán Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng dự kiến là 6,3% trong năm 2016, giảm nhẹ so với 6,7% trong năm 2015.
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm cần quyết liệt triển khai trong những tháng tiếp theo của năm 2016. Trong đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành năm 2016, trong đó tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); kiên quyết xóa bỏ các giấy phép về điều kiện kinh doanh (giấy phép con) không cần thiết.
Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu; thúc đẩy tiêu dùng trong nước, mở rộng mạng lưới tiêu thụ và phân phối sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian; nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển du lịch.Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; chủ động khai thác các cơ hội, thuận lợi, hạn chế những tác động bất lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam - EU...
Xác định doanh nghiệp là động lực cho tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan cần có những chính sách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song song với đó là tăng cường kết nối doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết vùng, ngành, cụm công nghiệp; chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bàn về vấn đề này, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khuyến nghị, Chính phủ cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Theo đó, cần duy trì các chính sách kinh tế hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô và lường trước những rủi ro có thể gặp phải khi hoạch định chính sách tài chính – tiền tệ.