Chính phủ sẽ trình Quốc hội Hiệp định CPTPP vào tháng 10/2018
Thông tin trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 diễn ra chiều ngày 13/9/2018 tại Hà Nội.
Tại phiên đối thoại với đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tại VBS 2018, một doanh nghiệp nước ngoài đặt câu hỏi: Việt Nam kỳ vọng gì vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, CPTPP là Hiệp định thế hệ mới về thương mại. Do đó, việc thúc đẩy các nước thành viên thông qua Hiệp định và nhanh chóng đi vào thực thi sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của các nước thành viên trong đó có Việt Nam.
Theo Thủ tướng, khi CPTPP chính thức đi vào thực hiện sẽ giúp các nền kinh tế tham gia Hiệp định tăng trưởng tốt hơn nhờ việc mở ra một không gian mới về sự phát triển. Đồng thời, sẽ có nhiều hàng hóa dịch vụ được mở ra, góp phần làm mức tăng trưởng phát triển hơn. Mặt khác, yếu tố việc làm cũng sẽ được giải quyết tốt hơn, do có nhiều nhu cầu về việc làm được mở ra.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng sẽ tăng thêm, khi các thị trường mới như Peru, Mexico và nhiều nước khác được mở ra. Thậm chí, những thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do cũng sẽ mở ra nhiều loại hình dịch vụ hàng hóa mới giúp tình hình xuất khẩu tốt hơn.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi các cam kết của Hiệp định được thực thi chắc chắn Việt Nam sẽ đón thêm dòng vốn đầu tư từ các nước tham gia Hiệp định. Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ nâng cao sức cạnh tranh... Đà tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư là những kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam sau khi CPTPP chính thức được thực thi.
“Nhân đây tôi cũng thông tin cho quý vị biết, theo chương trình nghị sự mà chúng tôi đã chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Hiệp định CPTPP” - Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà Hiệp định CPTPP đem lại, Thủ tướng cũng chỉ ra một số thách thức đặt ra với Việt Nam khi Hiệp định này được phê chuẩn, đi vào thực thi như: Việc thể chế pháp luật phải sửa đổi để phù hợp hơn; phát triển doanh nghiệp thế nào để thích ứng với sự đòi hỏi của Hiệp định.
“Doanh nghiệp sản xuất kém, sản phẩm kém, chất lượng kém, năng suất quá kém thì làm sao có thể cạnh tranh được? Đây là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để giải quyết những thách thức trên, Thủ tướng cho rằng, khi những yêu cầu tiêu chuẩn tăng lên, Nhà nước và doanh nghiệp đều phải nâng cao chất lượng để tăng năng suất lao động, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.