Chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công văn số 1070/TTg-KGVX và Công điện số 1068/CĐ-TTg trong chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Công văn số 1070/TTg-KGVX, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề về ngoại giao vắc xin, thuốc chữa bệnh COVID-19; thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, mua thuốc chữa bệnh từ nước ngoài; vận động tài trợ quốc tế về tài chính, vật tư, trang thiết bị, thuốc, vắc xin… phục vụ công tác phòng, chống dịch; các hoạt động đối ngoại khác liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, điều hành, xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ thiết yếu, các khoản hỗ trợ,… đối với doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là người lao động xa quê, mất việc làm tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly … .
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện mua trang thiết bị, vật tư y tế, phân bổ vắc xin, nhập khẩu công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các chuỗi sản xuất, cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống Nhân dân, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu lớn, các điều kiện hỗ trợ việc duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nắm chắc tình hình, theo sát diễn biến tình hình dịch, các vấn đề phát sinh gây khó khăn trong đời sống, an ninh, an toàn của Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động, linh hoạt, sáng tạo xử lý kịp thời, hiệu quả, đề xuất các giải pháp hiệu lực hơn, hiệu quả hơn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia; Chủ tịch UBND được giao chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất trên tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết để.
Các địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bảo đảm ổn định đời sống, an ninh, an toàn cho người dân, bảo đảm các điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trên địa bàn, đồng thời bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng chống dịch, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Cùng ngày Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1068/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tăng cường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn một số biện pháp cao hơn nữa phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định.
Triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa các trường hợp nhiễm COVID-19 (F0) vào các cơ sở thu dung, điều trị hoặc hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và điều kiện của địa phương; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu; được sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe cho nhân dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết và tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Trong đó, chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; hoàn thành, đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp nhiều tầng của Bộ Y tế...
Thủ tướng Phạm Minh chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm thuế và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định và hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật trong xét nghiệm, trên cơ sở đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc xét nghiệm; huy động, điều phối nhân lực y tế cho các địa phương phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch...