Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế
(Tài chính) Sáng 3-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế. Đây là dự án Luật được Bộ Tài chính gấp rút soạn thảo trong một thời gian ngắn nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dự kiến, dự án Luật này sẽ trình Quốc hội theo trình tự rút gọn, Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhờ thực hiện các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ trong giai đoạn 2012-2014 nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế đã xuất hiện một số dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới; thực hiện những chính sách hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, hải quan thì cần có thêm những chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc sửa đổi, bổ sung các Luật cần đảm bảo 5 mục tiêu, yêu cầu. Đó là: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp; Đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế; Tiếp tục đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế; Đảm bảo tính nhất quán của chính sách, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Động viên hợp lý để phát triển nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và chính sách thu điều tiết đối với tài nguyên khoáng sản ... để đảm bảo nguồn thu cân đối ngân sách.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhiều lĩnh vực
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật thuế TNDN hiện hành chưa có quy định ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quy định này chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên không thu hút bỏ vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để từ đó có tác dụng lan tỏa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sau: Áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp), lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định tại khoản này được áp dụng thuế suất 17%.
Đồng thời, Chính phủ bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo đó, thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển quy định tại khoản này nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).
Đồng thời, để chính sách ưu đãi thuế khuyến khích đúng các sản phẩm CNHT cần ưu tiên sản xuất, qua đó phát huy lợi thế cạnh tranh, khả năng sản xuất trong nước và tiềm năng xuất khẩu, khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu hay tham gia chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, thiết bị cho các công ty đa quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội quy định tại dự thảo Luật các tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế để áp dụng cho những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT.
Chính phủ cũng trình Quốc hội bổ sung quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB, dự án khai thác khoáng sản) có quy mô vốn đầu tư tối thiểu mười hai nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư (sử dụng công nghệ tiên tiến trong nước chưa sản xuất được hoặc công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng ở Việt Nam hoặc khu vực Đông Nam Á hoặc sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ/năm chậm nhất sau 5 năm kể từ khi có doanh thu hoặc doanh nghiệp chế xuất sử dụng trên 6.000 lao động thường xuyên hoặc doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật (đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga, năng lượng mới, năng lượng sạch; công nghiệp tiết kiệm năng lượng; dự án lọc hóa dầu và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định)) thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.
Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân
Theo Tờ trình, Chính phủ bổ sung quy định miễn thuế TNCN đối với cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài và tàu Việt Nam vận tải quốc tế. Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam nhận được do làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế và thu nhập của cá nhân là chủ tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán, theo hướng cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng và cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng.
Về thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino, Chính phủ trình Quốc hội xem xét bỏ quy định thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino, đồng thời điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino tăng từ 30% hiện nay lên mức 35% đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Dự án Luật thuế TTĐB thông qua kỳ này và giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan thuế giám sát, quản lý trực tiếp doanh số và quy định về tỷ lệ ấn định tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu. Theo đó, nội dung thể hiện tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật như sau: “Sửa đổi điểm c Khoản 6 Điều 3 Luật số 04/2007/QH11 như sau: “c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược”....
Về thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi quy định về thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng đơn giản để cá nhân có thể tự khai, tự nộp và giám sát được việc thu thuế của cơ quan thuế bằng nội dung Luật quy định nguyên tắc thu thuế khoán đối hộ, cá nhân kinh doanh, giao Chính phủ quy định chi tiết mức thuế khoán cụ thể đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT); Luật thuế tài nguyên; Luật Quản lý thuế.
Về xóa tiền phạt chậm nộp thuế, Chính phủ trình Quốc hội cho phép: Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014. Thẩm quyền xóa nợ thuế thực hiện theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khi thực hiện dự án Luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, việc giảm thu này chỉ xảy ra trong những năm đầu và sẽ tăng trong trung và dài hạn. Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách cũng sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế TTĐB trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng.
Do đó, với các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển từ đó tăng nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn. Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định...