Chính quyền địa phương ở đâu trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thường được chú ý hơn trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói chung. Nhưng qua quá trình Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến làm việc với các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa về tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại thì thấy, không thể không chú ý đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ở các địa phương vì có nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ này.

Chính quyền địa phương ở đâu trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước?
Chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Nguồn: internet
Theo báo cáo của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, các địa phương này đều tiến hành rà soát, phân loại doanh nghiệp theo những tiêu chí được quy định tại Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc với 10 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn; cổ phần hóa 4 doanh nghiệp Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ; cổ phần hóa 1 doanh nghiệp Nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, các công ty TNHH một thành viên sẽ được cổ phần hóa xong trước 31.12.2014; bảo đảm hoàn thành cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2015. Tương tự, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa tiếp tục tiến hành cổ phần hóa sau khi đã chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 3 doanh nghiệp Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ, Thanh Hóa có 1 doanh nghiệp Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được cổ phần hóa, tái cấu trúc được nhận định có chuyển biến tích cực. Tại tỉnh Thanh Hóa, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện tăng gấp 3,6 lần so với năm 2012; hệ số nợ giảm từ 0,36 trong giai đoạn 2005 – 2010 xuống còn 0,23 trong giai đoạn 2011 – 2013; hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm dần qua các năm; hệ số doanh thu trên một đồng vốn đầu tư cũng tăng dần... Tại tỉnh Hà Tĩnh, các chỉ tiêu trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng đạt mức khá sau cổ phần hóa, tái cấu trúc. Đặc biệt, sau khi tái cơ cấu danh mục đầu tư, một số doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh không chỉ thực hiện kinh doanh hiệu quả trong ngành nghề chính của mình mà còn tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã trở thành đơn vị đi đầu trong việc góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển giống cây con chất lượng cao; đầu tư trồng rau củ quả theo công nghệ tiên tiến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Tuy các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước tại các địa phương có chuyển biến tích cực, song theo các thành viên Đoàn giám sát thì các chỉ tiêu này tại nhiều doanh nghiệp vẫn thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Các doanh nghiệp lý giải tình trạng này là do làm nhiệm vụ công ích như cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy lợi... Các ngành này hiện có mức thu thấp hoặc được miễn (thủy lợi phí hiện được miễn cho nông dân), nên doanh nghiệp chỉ có thể bảo đảm hoàn vốn, rất khó có lợi nhuận. Đại diện các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa thì chỉ ra lý do khác là quy mô của doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý đều có mức nhỏ và vừa, vốn chủ sở hữu thấp, nên khó có thể bố trí, huy động vốn. Trong khi đó, hiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nên sức mua thị trường thấp. Bởi thế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tuy có tăng trưởng nhưng không có đột phá. Và về cơ bản khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần, thì bộ máy lãnh đạo vẫn giữ nguyên, không đơn vị nào thực hiện thuê giám đốc điều hành, làm giảm sức sáng tạo, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Các tỉnh đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành cần có phương án hỗ trợ bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp; sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động; có chính sách đối với lao động dôi dư, xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Và cần có văn bản hướng dẫn về việc phân tách rõ ràng, minh bạch giữa kinh doanh với nhiệm vụ công ích; tạo điều kiện để doanh nghiệp được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia.

Tuy nhiên, theo các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại sao những doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn hoạt động chưa hiệu quả, hiệu suất sinh lời thấp vẫn được giữ lại? Trong khi đó, quy định hiện hành đã cho phép có thể thoát vốn hoàn toàn khỏi doanh nghiệp Nhà nước hoạt động mà không phải chú trọng việc bảo toàn vốn. Một câu hỏi khác cũng được thành viên Đoàn giám sát đưa ra là vì sao phương thức quản trị còn hạn chế; tư duy của người quản lý, người lao động chưa bắt kịp với đòi hỏi mới... thì các tỉnh không tổ chức lớp học để nâng cao năng lực điều hành, quản trị cho doanh nghiệp?

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt có khả năng cung cấp dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh và làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Và theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, quá trình này cũng để nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra. Để thực hiện những mục tiêu này, rõ ràng không thể chỉ chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần thấy rõ vai trò của mình trong quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố. Chính quyền địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của mình để có thể thực hiện mục tiêu đã đề ra đối với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.