Chính quyền Donald Trump 2017: 5 chính sách làm thay đổi nước Mỹ
Ông Donald Trump tự nhận là Tổng thống thành công nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Tuy nhiên, những người không đồng tình cho rằng, nhà lãnh đạo này mới tại nhiệm được một năm và chưa có gì nhiều để chứng tỏ. Chuyên gia phân tích của Tạp chí Time cho rằng, bất luận thế nào, chính quyền Donald Trump đã có 5 chính sách có tác động lớn tới người dân Mỹ.
Cải cách thuế
Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm, còn được biết dưới tên gọi Luật cắt giảm thuế của Trump hay Kế hoạch cải cách thuế của đảng Cộng hòa, là luật cắt giảm thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua ở Mỹ, vừa được Tổng thống Trump ký ban hành cách đây 1 tuần. Luật cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Mỹ bao gồm các điều khoản giảm mạnh thuế cho các doanh nghiệp lớn, chủ sở hữu các doanh nghiệp và những người có thu nhập cao ở Mỹ, đồng thời sửa đổi cách tính thuế với các công ty đa quốc gia và cá nhân.
Theo luật này, hầu hết mọi đối tượng đóng thuế ở Mỹ, bao gồm cả những người thuộc tầng lớp trung lưu, đều sẽ được hưởng ưu đãi thuế cá nhân trong vài năm tới, song các chính sách giảm thuế này đều sẽ kết thúc vào năm 2025. Trung tâm Chính sách Thuế (TPC) của Mỹ cho rằng, thậm chí, nhiều người sẽ thấy thuế tăng vọt trong năm 2026 và 2027, do các biện pháp cắt giảm thuế cá nhân trong luật chỉ là tạm thời.
Kế hoạch cải cách thuế của Mỹ cùng với việc bãi bỏ hay giảm những quy định trói buộc kinh doanh dưới thời chính quyền tiền nhiệm Obama là hai trụ cột chính của chính phủ Trump trong chiến thuật nhằm tăng tốc nền kinh tế Mỹ, đã được ông Trump hứa hẹn thời tranh cử. Theo các nhà phân tích, việc giảm thuế doanh nghiệp nhằm tăng đầu tư là khả thi nhưng tác dụng chỉ xảy ra trong dài hạn không phải ngắn hạn; cần ít nhất 3 - 5 năm để thực hiện đầu tư.
Trong một cuộc thăm dò khách hàng hàng năm do Ngân hàng Dự trữ liên bang Atlanta tiến hành mới đây, chỉ có 8% khách hàng là giám đốc điều hành doanh nghiệp cho rằng luật thuế mới sẽ khiến họ tăng cường tuyển dụng rõ rệt; chỉ có 11% khách hàng cho biết sẽ tăng kế hoạch đầu tư đáng kể.
Luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ 2017
Mặc dù kiểm soát đa số tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ, nhưng đảng Cộng hòa và chính quyền Trump đã thất bại trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật nhằm bãi bỏ hoàn toàn Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, còn được gọi là Obamacare.
Thay vào đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ 2017 (AHCA), còn được nhắc đến với nhiều biệt danh khác nhau như Trumpcare hay Obamacare-Lite, nhằm thay thế những nội dung cơ bản của Obamacare.
AHCA bãi bỏ các chính sách hỗ trợ của liên bang đối với các công ty bảo hiểm, nhằm giúp giảm chi phí y tế cho người có thu nhập thấp. AHCA còn cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ, cho phép các công ty bảo hiểm bán những gói bảo hiểm y tế với giá thành thấp hơn nhưng quyền lợi của người bảo hiểm bị cắt giảm nhiều.
Phân tích của Viện Brookings dự báo rằng, với những đề xuất trong AHCA, 15 triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế trong 10 năm tới. Cụ thể, ít nhất 6 triệu người sẽ mất bảo hiểm từ trao đổi công cộng; 2 triệu người mất bảo hiểm từ việc sử dụng bảo hiểm lao động và 7 triệu người đang được bảo hiểm trong chương trình Medicaid bị mất bảo hiểm.
Chính sách nhập cư
Tổng thống Donald Trump đã áp dụng hàng loạt chính sách nhằm vào người nhập cư như: Cấm nhập cảnh đối với công dân của một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi; loại bỏ chương trình nhân đạo với trẻ em nhập cư trái phép hay rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về dí trú. Sau vụ tấn công bằng bom trên hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố New York, ông Trump cho rằng điều này cho thấy “nhu cầu bức thiết” về việc Quốc hội cần sửa Luật Nhập cư.
Những chính sách mới của Mỹ đã làm tăng số người nhập cư tìm cách “lách luật”. Trong khi đó, các chính sách nhập cư mới của Mỹ đã khiến làn sóng bài người nhập cư ở nước này tăng lên. Theo báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ bạo lực nhằm vào người nhập cư ở Mỹ trong năm qua đã tăng lên 10% so với 2014.
Chính sách lao động
Trong tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức chấm dứt lệnh gia hạn quy định liên bang về làm thêm giờ dưới thời chính quyền Obama. Quyết định này có nghĩa rằng, khoảng 4 triệu người Mỹ có thu nhập thấp sẽ không còn được hưởng chính sách trả công cao gấp rưỡi khi làm việc hơn 40 tiếng/tuần.
Quay lưng với chống biến đổi khí hậu
Kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) đã vô hiệu hóa hàng chục quy định dưới thời chính quyền Obama nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2.
EPA còn hủy bỏ nhiều quy định nhằm bảo vệ các sông, suối, hồ; đồng thời cho phép các công ty năng lượng tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí trở lại ở Bắc Cực; hợp pháp hóa hoạt động khai thác than trên đất công… Quốc hội Mỹ còn thông qua quyết định cho phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL gây tranh cãi, theo đó giúp vận chuyển dầu thô từ Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Dự án Keystone XL vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà hoạt động vì môi trường, cho rằng việc xây dựng tuyến đường ống này sẽ phá hủy môi trường và hệ sinh thái những nơi nó chạy qua. Mỹ còn tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu.
Giới quan sát nhận định, nhìn lại một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể thấy nhà lãnh đạo này đã dốc sức hiện thực hóa các lời hứa tranh cử của mình nhưng các chính sách của ông Trump đều có ảnh hưởng lớn đến người dân Mỹ.