Thị trường tài chính 2018: Khởi sắc và hóa giải thách thức

Theo Hà My/saigondautu.com.vn

Kinh tế Việt Nam năm 2018 hứa hẹn có nhiều thuận lợi; hệ thống tài chính tiếp tục thực hiện được khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế; dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh khi Việt Nam đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đó là những nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra khi đề cập đến triển vọng về kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam năm 2018.
Bức tranh đa sắc
Theo báo cáo “Tổng quan thị trường tài chính năm 2017” vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đạt mức 6,81%. Kết quả này có được nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Năm 2018, diễn biến lạm phát sẽ có một số thay đổi. Chẳng hạn giá thực phẩm năm 2017 giảm sâu nên năm 2018 nhiều khả năng tăng. Bên cạnh đó, năm 2018, lạm phát sẽ chịu áp lực từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục); độ trễ của việc tăng giá điện tháng 12; giá nhiên liệu thế giới tăng… Song dù áp lực lạm phát cao hơn năm 2017 nhưng có thể kiểm soát được.

Ông Bùi Quốc Dũng, 
Ban Kinh tế Trung ương
Nền tảng vĩ mô tiếp tục được thiết lập vững chắc: lạm phát ước khoảng dưới 4% (năm thứ 4 liên tiếp dưới 5%); niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được củng cố khi vốn FDI, ODA đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng mạnh; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 47 tỷ USD; nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát…
 Về triển vọng kinh tế năm 2018, cơ quan này dự báo tiếp tục thuận lợi khi kinh tế thế giới được dự báo tăng cao hơn năm 2017, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Đầu tư toàn cầu sẽ tăng cao hơn so với năm 2017 và tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính thời gian gần đây. Khu vực tư nhân vẫn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt một số khó khăn, như xuất khẩu chịu tác động bởi thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ; năng suất, hiệu quả nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá… Về lạm phát, báo cáo nhận định không có yếu tố đột biến lạm phát năm 2018 (tương đương 2017 dưới 4%), nhưng có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính nếu giá điện tăng 8-10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1-0,15%.
Dù đồng ý với những nhận định tích cực về kinh tế thế giới năm 2018, nhưng TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lưu ý những rủi ro kinh tế có thể đối mặt: Liên minh châu Âu (EU) thôi gói kích thích kinh tế; chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất định do bảo hộ; gia tăng chủ nghĩa ly khai…
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguy cơ lớn nhất của kinh tế thế giới là xu thế ly khai toàn cầu hóa đang rất lớn. Sự cố gắng của Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu khôi phục toàn cầu hóa đang gặp khó khăn. Thực tế này cần phải được nhìn nhận để xác định những khó khăn, thách thức có thể phải đối mặt thời gian tới.
Nợ xấu giảm, vẫn còn cao
Theo báo cáo, nền tài chính được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Cơ cấu thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần phụ thuộc vào khu vực ngân hàng, cung ứng vốn từ thị trường vốn gia tăng.
Cung ứng vốn cho nền kinh tế từ khu vực ngân hàng ước tăng 18,1%; từ thị trường vốn tăng 66,4% so với năm 2016 (tỷ trọng tăng từ 28% lên 35,4% năm 2017), giúp huy động nguồn vốn trung, dài hạn cho phát triển và giảm áp lực huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của khu vực ngân hàng.
Vốn cung ứng từ thị trường vốn tăng nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán (TTCK). TTCK Việt Nam nằm trong nhóm 5 TTCK tăng trưởng cao nhất thế giới (39%) với giá trị vốn hóa đạt 66% GDP. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK ước đạt 1,85 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 2011. Khu vực ngân hàng tiếp tục đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Mặc dù huy động vốn tăng chậm lại (tín dụng tương đương năm 2016), song thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào. Nguyên nhân do cung tiền ròng vào nền kinh tế tăng cao hơn thông qua việc NHNN mua thêm 7,5 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Dòng vốn tín dụng hiệu quả và chất lượng hơn khi được phân bổ tập trung vào khu vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên. 
Bên cạnh đó, quá trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn nhờ được hỗ trợ từ phía chính sách với Nghị quyết 42 của Quốc hội trong tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý và tài sản đảm bảo. Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng nỗ lực tự xử lý nợ xấu với tốc độ tăng hơn 40% so với năm 2016. Kết quả tỷ lệ nợ xấu giảm (còn khoảng 9,5% so với mức 11,9% cuối năm 2016), khả năng sinh lời của hệ thống TCTD tăng lên…
Theo ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng tăng hơn 40% so với năm 2016, đồng thời lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016.
Tuy nhiên, chỉ ra những tồn tại nổi bật, ông Phước cho rằng nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, còn tập trung ở một số TCTD yếu, kém và sự kém liên thông giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường tiền gửi khu vực dân cư, khiến mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm như mong đợi; tín dụng bất động sản tiềm ẩn cao trong tín dụng tiêu dùng; việc áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel II trong hệ thống ngân hàng còn chậm, do đó áp lực tăng vốn của các TCTD từ nay đến 2020 khá lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2017 là 9,5% giảm mạnh so với con số 11,5% trước đó, nhưng vẫn cao gấp gần 4 lần so với con số chưa đến 3% do hệ thống ngân hàng tự báo cáo và cao hơn nhiều so với con số 2,34% (chưa tính khoản bán sang VAMC) mà Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo tại phiên chất vấn tại Quốc hội giữa tháng 11 vừa qua.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fullbright Việt Nam, điểm tích cực của tín dụng tiêu dùng là tăng nhanh nhưng trong đó có cả mua nhà, chi tiêu thường xuyên. Nếu so với hệ thống ngân hàng các nước có thu nhập trung bình, tín dụng cho bất động sản ở Việt Nam vẫn thấp (chiếm 15% trong khi các nước 20%); tín dụng tiêu dùng ở các nước 30%, còn Việt Nam 18%.
Thực tế này cho thấy tín dụng lĩnh vực này cần tăng tỷ trọng. Phản biện quan điểm này, nhiều chuyên gia đưa ra nhận xét, tín dụng tiêu dùng và dư nợ bất động sản thấp cần có cái nhìn sâu hơn. Ở Việt Nam chưa có tiêu thức đánh giá chính xác rõ ràng mạch lạc đâu là tín dụng tiêu dùng, đâu là tín dụng bất động sản.
Khi cần thiết, NHNN chủ trương giảm tín dụng vào bất động sản nhưng thực tế có nhiều cách đưa tín dụng vào bất động sản thông qua tiêu dùng. Thí dụ, tổ chức cung cấp tín dụng cho người vay mua 1 căn nhà đó là tiêu dùng, nhưng nếu mua 2, 3 căn là tiêu dùng hay đầu cơ bất động sản? Do đó, nếu nói tín dụng cho các lĩnh vực này thấp để đẩy lên cần xem xét lại. 
Vốn ngoại sẽ gia tăng
2 thương vụ thoái vốn đình đám năm 2017 là việc các nhà đầu tư ngoại đã bỏ ra gần 120.000 tỷ đồng để mua hơn 53% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và 3,33% tại Vinamilk. 2 phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi thông điệp rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong chờ những phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay.
Nhiều chuyên gia nhận định sắp tới khi một loạt doanh nghiệp như MobiFone, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam… cổ phần hóa, thoái vốn sẽ hứa hẹn tiếp tục mang đến sự chú ý cho nhà đầu tư nước ngoài. 
Theo ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thị trường vốn hồi phục đã tạo hiệu ứng tốt cho cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua, hỗ trợ hoạt động ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Dự báo trong năm 2018, thị trường vốn sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động này.

Việc lãi suất cho vay năm 2017 chưa giảm được như kỳ vọng, do có ý kiến cho rằng tốc độ lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Trong khi về lý thuyết, lãi suất huy động giảm cho vay mới giảm. Nếu ép lãi suất cho vay giảm sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng và tiềm ẩn rủi ro sang lĩnh vực khác. Như vậy, năm 2018, hệ thống ngân hàng tiếp tục đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn như 2017.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, 
chuyên gia tài chính ngân hàng
Tuy nhiên, dù TTCK vừa qua tăng trưởng tốt nhưng đang có “tín hiệu nóng” khi giao dịch ký quỹ (margin) cao gấp 2 lần năm 2016. Để xử lý vấn đề này, việc tốt nhất là tiến hành cổ phần hóa nhanh chóng, thúc đẩy cơ hội bán vốn giá cao, hút tiền… Đây cũng là cơ hội để năm 2018 các ngân hàng tăng vốn đáp ứng điều kiện theo quy định Basel II và là thời điểm tốt để cải cách, giúp thị trường phát triển bền vững hơn. 
Về ảnh hưởng của dòng vốn ngoại đổ vào nhiều khi năm 2018 Chính phủ đẩy mạnh lộ trình thoái vốn nhà nước nhiều hơn, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách tài chính (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), nhận định điều này sẽ gây áp lực tăng giá lên đồng Việt Nam. Nếu đồng Việt Nam lên quá cao sẽ khuyến khích nguồn lực từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chảy sang khu vực dịch vụ, nhất là bất động sản và nếu thái quá sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.