Kinh tế thế giới 2017: Những mảng màu tươi sáng

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Kinh tế thế giới đã trải qua một năm với gam màu tươi sáng khi các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều duy trì tăng trưởng. Với đà hồi phục hiện nay, giới chuyên gia quốc tế dự báo kinh tế thế giới sẽ còn tăng trưởng trong 2 năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đà hồi phục mạnh mẽ

Mảng sáng đầu tiên dễ nhận đó là sự ổn định của tăng trưởng tiêu dùng cá nhân, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ, vững bền của đầu tư toàn cầu. Tại Mỹ, gần 11 tháng kể từ ngày Tổng thống Donald Trump đắc cử, dù Nhà Trắng vẫn xáo trộn về chính trị do các cuộc điều tra của FBI về can thiệp của Nga trong dịp bầu cử 2016 và những thay đổi nhân sự cấp cao liên tiếp, nền kinh tế Mỹ đã có những bước tiến gây ấn tượng ngay trong năm đầu.

Và từ bây giờ còn đi xa hơn nữa. Tăng trưởng GDP đã cao gấp đôi so với hồi tranh cử, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp giảm, và nhất là chỉ số Dow Jones liên tục lập các kỷ lục mới, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp và giới đầu tư. Đây là kết quả của nền kinh tế Mỹ trong năm 2017, ngay cả trước khi dự luật giảm thuế được cả hai viện chấp thuận một cách sơ khởi.

Về tổng thể, các phương diện như kinh tế, chính trị, xã hội và nhất thể hóa… của châu Âu trong năm 2017 đều có những bước chuyển. 2016 là năm đầu tiên GDP của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phục hồi đến mức trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, rất nhiều tổ chức dự đoán năm 2017 tỷ lệ tăng trưởng bình quân của Eurozone và EU có thể vượt 2%, hơn nữa xu thế này vẫn có thể duy trì trong năm 2018.

Lần phục hồi kinh tế này chủ yếu là sự tác động của nhu cầu trong nước: Do tỷ lệ thất nghiệp của rất nhiều nước châu Âu giảm mạnh, nên nhu cầu trong nước tăng lên.

Tình hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 có sự đổi mới rõ rệt, dưới sự điều chỉnh chính sách và thúc đẩy phát triển công nghệ mới, có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng mang tính phục hồi mới.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì được tăng trưởng ổn định, cải thiện được chất lượng tài sản, giảm rủi ro nợ và tạo được động lực mới cho tăng trưởng dài hạn và bền vững. Trong ba quý I, II, III/2017, kinh tế Trung Quốc tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho năm nay là 6,5%.

Theo ông Pan Jiancheng thuộc Tổng cục Thống kê Trung Quốc, dưới sức ép cải cách cơ cấu, Trung Quốc đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao vừa với ít biến động. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc lần thứ tư trong năm nay, lên 6,8% năm 2017 và 6,5% năm 2018.

Kinh tế Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng như hiện nay là nhờ chính sách tiền tệ thận trọng cũng như chính sách tài khóa chủ động và hiệu quả. Thay vì điều chỉnh lãi suất hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào các hoạt động thị trường mở trong năm nay để quản lý thanh khoản.

Động lực kinh tế mạnh đã giúp dòng chảy vốn qua biên giới ổn định và cân bằng hơn, nhờ đó dự trữ ngoại hối tăng tháng thứ 10 liên tiếp, đạt 3.119,3 tỷ USD vào cuối tháng 11.

Những nhân tố ổn định

Nhìn chung, kinh tế thế giới trong hai năm tới được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 4% mỗi năm. Dự đoán này có thể tăng nhẹ so với mức cơ bản vào tháng 9/2017. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng được hỗ trợ bởi giá dầu, thứ chỉ nên được tăng một cách thận trọng.

Theo các chuyên gia, quá trình hồi phục kinh tế tại Mỹ sẽ tiếp tục. Kinh tế Mỹ năm 2017 có thể đạt tăng trưởng ở mức 2,3%. Vào năm 2018 và 2019 lần lượt mỗi năm 2,5% và 2,4%. Đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giữ vững trong tương lai gần.

Tiêu thụ cá nhân sẽ tăng lên đáng kể, kể cả khi trong cùng thời điểm đó tỷ lệ tiết kiệm không giảm xuống. Trong quý III, khoảng 170.000 việc làm mới được tạo ra; tỉ lệ thất nghiệp vào tháng 11 ở mức chỉ 4,1%. Mức lương tăng đáng kể so với các năm trước cũng được kỳ vọng.

Với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc, giới chuyên gia dự báo suy giảm dư thừa nguồn cung sẽ hãm phanh sự mở rộng kinh tế. GDP của Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 sẽ tăng khoảng 6,5%. Nhu cầu của các hộ gia đình và cá nhân có thể sẽ tăng thêm theo thu nhập, bởi áp lực từ chi phí và dư thừa nguồn cung vẫn tồn tại hãm phanh cho đầu tư vào máy móc.

Hậu quả của giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu làm xấu đi cán cân xuất nhập khẩu trong thời gian gần đây và làm suy yếu quy mô của nền kinh tế. Điều này truyền tín hiệu tới chỉ số quản lý mua hàng trong tương lai gần cho nhiều ngành kinh tế khác nhau. Trong ngành công nghiệp sản xuất, sự giảm tải của dư thừa nguồn cung trong các công ty nhà nước có mức nợ cao và thiếu năng suất sẽ tiếp tục và sẽ làm giảm tăng trưởng.

Kinh tế các nước khu vực EU được đánh giá là phục hồi toàn diện. Vào năm 2017, GDP của khu vực EU được trông đợi sẽ tăng 2,4%. Vào năm 2018, kinh tế sẽ tăng 2,1% và 2019 khoảng 1,7%. Tình hình thị trường lao động tốt đẹp hơn cũng như việc nới lỏng điều kiện cho vay một lần nữa sẽ tăng nhu cầu trong nước.

Cả nhu cầu cá nhân cũng như đầu tư đã hỗ trợ nền kinh tế. Trong quý IV, tiêu dùng cá nhân trong tiến trình tạo thêm việc làm đang tiếp diễn sẽ là nhân tố chính trong hồi phục kinh tế. Điều này có nghĩa là niềm tin của người tiêu dùng tại các nước thành viên hàng đầu đang tăng lên.

Những rủi ro cho nền kinh tế thế giới chủ yếu đến từ châu Âu, nơi năm sau sẽ diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. Nếu các đảng phái với chủ trương nghi ngờ EU hoặc nếu các ngân hàng có mức nợ lớn hơn, rủi ro của cộng đồng EU sẽ tăng thêm và ảnh hưởng xấu đến đầu tư.

Đàm phán Brexit cũng có thể dẫn tới những rủi ro lớn hơn so với dự tính và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế của Anh. Thêm vào đó, những hàng rào thương mại đến từ Mỹ có thể ảnh hưởng xấu hoặc làm chậm lại thương mại thế giới và các hoạt động đầu tư toàn cầu.