Chính sách đồng USD yếu tác động lên giá vàng

Theo NHNN

Từ tháng 3/2009 đến nay, USD liên tục bị mất giá. Diễn biến tỷ giá của USD đã thu hút sự quan tâm đặc biệt vì xu hướng biến động của đồng tiền này trực tiếp ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, giá vàng quốc tế và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới

Trong đó, các nước đang phát triển chịu tác động nhiều hơn từ những biến động của đồng USD. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng Mỹ có thể còn tiếp tục chính sách đồng đôla yếu trong một thời gian nữa bởi các lý do sau:

Nền kinh tế và tiền tệ thế giới đã dần ổn định trở lại, những lo lắng về cuộc khủng hoảng tiền tệ đã giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn về nhà cửa, bất động sản, tài sản tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa được cải thiện.

Mỹ có lợi thế hơn so với các nước về khả năng phục hồi kinh tế và thu hồi chính sách can thiệp. Xu thế kinh tế thế giới là một yếu tố quan trọng đối với thị trường tiền tệ, song có sự khác nhau khá lớn đối với mỗi nền kinh tế cũng như các chính sách can thiệp của các nước. Cho đến nay, Mỹ có thái độ không tích cực bằng các nước trong việc thu hồi các chính sách can thiệp.

Mặc dù, ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ luôn cho rằng cần phải cảnh giác vấn đề lạm phát quay trở lại, song các chính sách đưa ra vẫn ưu tiên hơn cho phát triển kinh tế. Một thành viên thị trường mở thuộc ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ ngày 21/09/2010 cho biết tình hình lạm phát của Mỹ không đáng lo ngại bằng tỷ lệ thất nghiệp, trong một điều kiện nhất định, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện gói kích thích kinh tế thứ 2 để hỗ trợ cho việc phục hồi kinh tế. Theo dự đoán của chuyên gia đầu tư chứng khoán Mỹ, gói kích thích kinh tế thứ 2 có thể được thực hiện từ ngày 01/01/2011. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng: Mỹ còn tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp thêm một thời gian, hỗ trợ cho việc mất giá của đồng USD.

Tuy nhiên, việc để đồng USD mất giá có thể dẫn đến xu hướng đa dạng hoá các đồng tiền dự trữ quốc tế, nếu đồng USD bị mất giá kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vị thế của đồng tiền này.

Từ những phân tích trên cho thấy tuy có các yếu tố  hỗ trợ cho đồng USD mạnh lên, song không nhiều bằng các yếu tố làm USD tiếp tục mất giá. Một thời kỳ đôla Mỹ suy yếu như sau năm 2002 có thể lặp lại. Đối với chính phủ Mỹ chính sách đồng đôla yếu thực sự có lợi, giúp Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu, giảm bớt nợ nước ngoài của chính phủ, bởi vậy Mỹ có cái nhìn lạc quan về việc USD tiếp tục mất giá, miễn là sự mất giá đó không tuột khỏi sự giám sát và điều chỉnh của họ.

Những diễn biến gần đây xung quanh việc các nước khu vực châu Á can thiệp thị trường ngoại hối, giữ không cho đồng tiền nước mình bị lên giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu và nhất là căng thẳng giữa Mỹ - Trung quốc về thương mại, về tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với đôla Mỹ cho thấy mâu thuẫn về kinh tế giữa các nước xuất phát từ vấn đề mất giá của đồng USD ngày càng sâu sắc. Trước tình hình diễn biến không khả quan của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức của Mỹ, làm cho thị trường ngoại hối bất ổn, đẩy nền kinh tế thế giới vào hỗn loạn, những dự đoán về khả năng mất giá của đồng đôla Mỹ trong thời gian tới đã ảnh hưởng mạnh đến giá vàng quốc tế. Từ năm 2005 đến nay, giá vàng quốc tế có xu hướng tăng, so sánh giá vàng đầu tháng 10 các năm như sau:

        Năm 2005:  500 USD/oz,  tăng 8,7%.

        Năm 2006:  620  USD/oz, tăng 6,19%.

        Năm 2007:  750  USD/oz, tăng 7,49%.

        Năm 2008:  830  USD/oz, tăng 8,29%.

        Năm 2009:  1050 USD/oz,tăng 10,49%.

        Năm 2010:  1340 USD/0z, tăng 13,39%.

Diễn biến giá vàng đầu tháng 10 năm 2010 nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, các chuyên gia dự đoán, trong quý cuối của năm 2010, giá vàng có thể lên tới 1300 USD/oz. Trong những ngày gần đây, có hiện tượng giá vàng bùng nổ, giá vàng thế giới ngày 05/10/2010 tăng 2%, đạt mức kỷ lục mới 1.343 USD/oz, ngày 06/10.2010 tiếp tục tăng 1,34% lên mức 1.346,6 USD/oz.

Mặc dù, giá vàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do Mỹ chưa thay đổi chính sách đồng đôla yếu, song một số chuyên gia đưa ra các khuyến cáo cần đề phòng sự sụt giảm của giá vàng vì: Giá vàng đã lên mức cao kỷ lục, các quỹ đầu tư lớn có khả năng bán chốt lời. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ không đem lại kết quả như mong muốn, trong khi đó lại đem đến sự hỗn loạn của kinh tế thế giới, nhiều nước và phe đối lập trong nước sẽ phản đối.

Việc Mỹ đòi Trung quốc tăng mạnh tỷ giá đồng nhân dân tệ có thể thất bại vì Trung quốc sẽ kiên quyết không chấp nhận để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và sự ổn định chính trị trong nước. Sự bất đồng nội bộ giữa cơ quan lập pháp (Quốc hội) và cơ quan hành pháp (Chính phủ) Mỹ càng ngày càng sâu sắc, sự kiên nhẫn của chính phủ Mỹ là có giới hạn, việc hạ viện Mỹ đòi đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung quốc khó có thể được quốc hội thông qua.

Ông Joseph Stiglitz kinh tế gia đạt giải Nobel cho rằng chính sách lỏng lẻo của ngân hàng dự trữ liên bang không làm được gì cho kinh tế Mỹ, ông tuyên bố chúng ta cần kích thích tài khóa để giải quyết các vấn đề tồn tại của kinh tế Mỹ, châu Âu. Nếu Mỹ thay đổi chính sách đồng đôla yếu, tuyên bố không thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi giá vàng thế giới có thể hạ nhiệt nhanh chóng, như trước đây đã xảy ra vào các năm 1980-1982.