Chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Việt Hoàng (T/h)

Ngày 27/10/2022, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đánh giá việc thực hiện các chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đã có tác dụng rất lớn trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Sáng ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Trong cả ngày 27/10, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận.
Trong cả ngày 27/10, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận.

Tham gia thảo luận các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, thẳng thắn. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát hiệu quả, tích cực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; do đó việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực.

Việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả đạt được khá cao.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, nhiều ý kiến cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế cần được khắc phục. Từ đó, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Điển hình như: Chính phủ cần chủ động ứng phó với tình trạng lạm phát; công khai, linh hoạt các kịch bản điều hành lãi suất; dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ; có giải pháp tránh thâm hụt cán cân thương mại; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu; cải thiện môi trường làm việc...

Phát biểu về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, việc thực hiện các chính sách của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đã có tác dụng rất lớn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vươn lên phục hồi sản xuất, kinh doanh và có đóng góp trở lại rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại như một số chính sách triển khai còn chậm như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… đến nay mới chỉ giải ngân được trên 0,03% so với tổng số vốn của chương trình.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn thiện tất cả các văn bản để hướng dẫn thực hiện Chương trình, chú trọng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai thực hiện các dự án, nhất là thủ tục hành chính trong việc chuẩn bị đầu tư rồi công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá cả vật liệu. Đề nghị rà soát lại các chính sách, chính sách nào chậm triển khai, khó đi vào cuộc sống thì cần xem xét điều chỉnh sang chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khác cho phù hợp.

Đồng quan điểm khi nhìn nhận những nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ hợp tác xã, hộ kinh doanh, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm, sau gần bốn tháng triển khai doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.500 tỷ với gần 600 khách hàng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng lý do chính là do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay như phải có lãi ròng ba năm liên tiếp. Trong khi doanh nghiệp đã 2 năm điêu đứng vì đại dịch COVID-19, ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Ngoài các vướng mắc trên, khách hàng e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này bởi sau này sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán. 

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề xuất Chính phủ nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai nghị quyết trên. Cụ thể, huy động các tổ chức tài chính vi mô vào cuộc trong việc hỗ trợ lãi suất để linh hoạt hơn trong việc xét hồ sơ cho vay, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh nhỏ chưa có giấy phép kinh doanh; Mở rộng đối tượng cho vay đa lĩnh vực hơn bởi có những doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực nên khi xét duyệt không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất các đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới trần hạn mức tín dụng để các ngân hàng thương mại có thể cho vay đối với các nhóm doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt để dòng tiền không đi vào khu vực phi sản xuất kinh doanh để giải quyết được cơn khát vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.

Nêu quan điểm về việc triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành, TS. Trần Hoàng Ngân - đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh bày tỏ trong thời gian vừa qua, đã có nhiều gói chính sách triển khai thuận lợi, mang lại lợi ích thiết thực thấy rõ cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình là gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế đã được triển khai rất nhanh, rất thuận lợi và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những gói hỗ trợ triển khai chậm, không thuận lợi. Ông Ngân ví dụ cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Để khắc phục được vấn đề này, theo TS. Trần Hoàng Ngân, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Sáng ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cũng tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.