Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ở tỉnh Sơn La


Trên cơ sở nghiên cứu phân tích thực trạng thực hiện chính sách hỗ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La, bài viết đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những kết quả tích cực

Theo Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm (2016-2018) thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Ủy ban Dân tộc ngày 4/10/2018, nước ta hiện có 53 DTTS, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước; sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng bào DTTS cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích của cả nước. Đây là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta… Về phân định xã thuộc 03 khu vực theo trình độ phát triển theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, cả nước có tổng số 5.266 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó: 1.313 xã khu vực I, 2.018 xã khu vực II, 1.935 xã khu vực III; có 20.176 thôn đặc biệt khó khăn.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong nhiều năm qua, đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Ngoài các chính sách dân tộc do cơ quan Trung ương ban hành, đã có 40 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi ban hành các chính sách riêng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm (2016-2018) thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng và miền núi đã nêu rõ một số kết quả quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc nổi bật trên các lĩnh vực, cụ thể:

- Lĩnh vực giảm nghèo bền vững: Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra. Theo đó, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK, vùng DTTS, miền núi giảm còn 35,28% (giảm 4,33% so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn khoảng 28,45% (giảm 3,02% so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Từ năm 2016 - 2018, Chương trình 135 (Dự án 2 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) đã đầu tư xây dựng 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo.

- Về xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi: Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bước đầu đạt một số kết quả quan trọng. Đến tháng 8/2018, đã có 1.052/4.719 xã vùng DTTS, miền đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%).

- Lĩnh vực tín dụng chính sách: Từ 2016 - 31/8/2018, dư nợ cho hộ đồng bào DTTS vay đạt 45.194 tỷ đồng với 1,4 triệu khách hàng là hộ DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho các hộ, giúp các hộ thoát nghèo, từng bước làm quen dần với cơ chế thị trường.

- Lĩnh vực giáo dục đào tạo: Hiện nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 319 trường phổ thông dân tộc miền núi; 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 05 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập...

- Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS của Tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn Tỉnh đã đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; từ năm 2016 - 2018 đã cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế cho 20,705 triệu lượt đồng bào DTTS; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%...

Ngoài các lĩnh vực trên, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng; Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp... Sau nhiều năm đầu tư, đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế trong...

Một số tồn tại, hạn chế

Sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn không ít hạn chế, chưa bảo đảm gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc - tộc người với chính sách phát triển vùng; thời gian thực hiện chính sách ngắn, thiếu tính chiến lược; trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án mất nhiều thời gian; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện; việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương gặp khó khăn do đa số các địa phương vùng dân tộc và miền núi đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một số chính sách còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với địa bàn vùng DTTS và miền núi. Tổ chức thực hiện chính sách còn yếu kém, phân công chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa hợp lý; việc phối hợp giữa các bộ, ngành có lĩnh vực chưa chặt chẽ, chỉ đạo có mặt còn chồng chéo. Việc lồng ghép các chính sách trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách còn hạn chế. Chỉ đạo, thực hiện chính sách ở một số địa phương còn lúng túng.

Nhìn chung, ở vùng dân tộc và miền núi, kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và phát triển chưa vững chắc. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm. Mức độ thương phẩm hóa của nông sản còn thấp; sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp. Đặc biệt, chưa có chính sách phân vùng để phát triển sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho các vùng DTTS. Chưa có chính sách kết nối sản phẩm của vùng DTTS với thị trường…

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế ở tỉnh Sơn La

Sơn La là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, có diện tích lớn đứng thứ ba toàn quốc với 14.174 km2; có trên 250 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Bang nước Lào. Tỉnh Sơn La có trên 1,2 triệu dân với 12 dân tộc chung sống, trong đó, trên 80% dân số là DTTS; có dân tộc Thái chiếm trên 56% dân số cả Tỉnh. Sơn La hiện có 11 huyện, 01 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; 3.234 bản, tiểu khu, tổ dân phố; trong đó, có 5 huyện nghèo; 112 xã, 1.708 bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có 17 xã, 305 bản giáp biên giới, thuộc 6 huyện.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, bộ mặt kinh tế, đời sống và văn hóa các dân tộc của tỉnh Sơn La không ngừng đổi thay nhanh chóng. Cụ thể, năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh đạt 9,59%, thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh đạt trên 4.459 tỷ đồng, tăng 453 tỷ đồng so với năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh đạt 8.446 tỷ đồng tăng 12,43% so với năm 2016. Toàn Tỉnh có 315 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 30 hợp tác xã trồng cây ăn quả, 16 hợp tác xã rau củ, 47 chuỗi sản xuất và tiểu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, ổn định góp phần nâng cao đời sống người dân nhất là ở nông thôn. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 32,8 triệu đồng/người/năm, tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2016. Có thể khẳng định, bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La không ngừng được cải thiện, đời sống của đồng bào DTTS ở Sơn La ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế ở tỉnh Sơn La vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, cụ thể:

Một là, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS chưa được đầu tư hoàn thiện, nhất là vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Ở nhiều bản, các tuyến giao thông đi lại tới trung tâm xã vẫn khó khăn, nhất là vào mùa mưa; còn nhiều diện tích đất canh tác của các bản, xã vùng DTTS chưa có mạng lưới tưới tiêu, chủ yếu phụ thuộc vào nước tự nhiên.

Hai là, kinh tế, đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS của Tỉnh còn khó khăn, khoảng cách về điều kiện sống và tỷ lệ hộ nghèo giữa các dân tộc ngày càng lớn; đây là một vấn đề khó khăn, thách thức to lớn về vận động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, tỉnh Sơn La vẫn còn 5/12 huyện nghèo, toàn quốc là còn 7,0%, thì ở Sơn La vẫn trên 30%; trong đó có DTTS vẫn còn tỷ lệ nghèo lớn trên 45%.

Ba là, diện tích đất ở, đất sản xuất và phục vụ cộng đồng ở các vùng DTTS ngày càng thu hẹp; xuất hiện một bộ phận không nhỏ đồng bào thiếu đất đai cho sản xuất, tình trạng chanh chấp, khiếu kiện; di dịch cư tự do tìm “không gian sinh tồn” theo truyền thống vẫn diễn ra, gây tâm tư lo lắng và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng hiệu quả, cần tập trung các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển;

Hai là, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh toàn diện, bền vững, giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS; Phấn đấu mỗi năm giảm 3-4% hộ nghèo, hộ cận nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS; không còn hộ ở nhà dột nát; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt;

Ba là, Tỉnh, huyện và các địa phương của Sơn La nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; 100% đường đến xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục bản, liên bản được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; 95% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; lao động trong độ tuổi người DTTS qua bồi dưỡng, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề…     

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;
  2. Uỷ ban Dân tộc (2017), Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
  3. Uỷ ban Dân tộc (2017), Thông tư số 02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2058/QĐ/TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020;
  4. Ủy ban Dân tộc (2018), Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
  5. UBNN tỉnh Sơn La (2017), Quyết định số 2411/QĐ-UBND phê duyệt đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dung cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Sơn La giai đoạn 2017-2020.