Chính sách hỗ trợ giá nông sản

PV.

Trước thực trạng giá nông sản có xu hướng giảm, hoặc có tăng nhưng không bù đắp được chi phí sản xuất; sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, sản lượng nông sản giảm do hạn hán và xâm nhập mặn, dịch bệnh…, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong cơ cấu GDP hiện tại tỷ trọng nông nghiệp cũng đóng góp tới 17%. Tuy nhiên, giá nông sản thường xuyên biến động do nông nghiệp là ngành chịu nhiều tác động bởi các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh… Đặc biệt trong thời gian gần đây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino có cường độ mạnh nhất trong vài thập kỷ qua, khiến cho nông nghiệp Việt Nam và nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn cả về giá và sản lượng.

Bên cạnh những chính sách như khuyến khích tăng cung gạo khi tín hiệu thị trường tích cực, nỗ lực triển khai đề án tái canh cây cà phê, giám sát chất lượng hồ tiêu, nỗ lực khơi thông thị trường xuất khẩu rau quả chất lượng cao… Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách tài chính hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, nâng cao giá trị nông sản, trong đó có chính sách hỗ trợ giá.

Theo đó, Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu khi giá của các mặt hàng này biến động: Các chính sách này được quy định lại Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó các sản phẩm nông sản thuộc diện được bình ổn giá là đường ăn, thóc, gạo tẻ thường, muối ăn, sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Các biện pháp bình ổn giá bao gồm: điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa giữa các vùng miền, địa phương; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông; lập quỹ bình ổn giá; Đăng ký giá trong thời gian áp dụng biện pháp bình ổn giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng tồn kho; Định giá cụ thể, giá tối đa, tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất từng loại hàng hóa.

Từ năm 2009, Chính phủ cũng trợ cấp tạm trữ gạo trong thời gian thu hoạch. Mục đích của việc này là làm tăng nhu cầu và tránh việc giảm giá. Chính phủ trợ cấp tất cả các khoản thanh toán lãi suất cho khoản vay do doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua tạm trữ (thường là 3-4 tháng). Các doanh nghiệp phải thu mua với giá lúa mục tiêu được ban hành năm 2011 để nhận được trợ cấp. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm sắp xếp kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ chính sách này.