Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm nay ước đạt 82,64 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá thấp so mức tăng của sáu tháng đầu năm 2015 (tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2014) và kể cả khi xem xét trong tương quan mức tăng GDP của năm.
Nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia nhìn nhận là do giá xuất khẩu giảm, bao gồm cả giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.
Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm sâu, có thời điểm xuống mức 27 USD/thùng (thấp nhất trong 13 năm gần đây), đã gây không ít ảnh hưởng đến các hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và xuất khẩu dầu khí; kim ngạch dầu thô sáu tháng chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 46,6% so cùng kỳ năm trước (riêng lượng giảm 23%).
Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn cũng đã gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu trong nước.
Thương mại thế giới ở nhiều khu vực thị trường là bạn hàng lớn của Việt Nam về nhập khẩu đang có dấu hiệu giảm hoặc tăng chậm lại, thí dụ thị trường Nhật Bản giảm 11,3% trong xuất khẩu và 13,8% trong nhập khẩu hay khu vực Eurozone giảm 1% trong xuất khẩu và 3% trong nhập khẩu.
Tình hình tỷ giá, lãi suất và giá cả một số loại nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu phục vụ sản xuất trên thị trường thế giới cũng đang diễn biến rất phức tạp khiến cho giá nhiều loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực của chúng ta đều ở mức thấp hơn so cùng kỳ các năm trước, nhất là giá xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản trên thế giới giảm đã kéo kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm 507 triệu USD.
Ngoài ra, tình hình hạn hán, nhiễm mặn kỷ lục cũng đã ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu nông sản, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay giảm 31,3 nghìn ha so vụ đông xuân năm trước và sản lượng cũng giảm 1,3 triệu tấn, là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 2,7% so cùng kỳ năm 2015.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, lượng cầu và giá cả xuất khẩu có xu hướng tiếp tục giảm, đòi hỏi Chính phủ và các ngành, địa phương cần nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp thiết thực và hiệu quả mới bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng xuất khẩu ít nhất 10% trong năm nay. Cần sớm có những giải pháp để lĩnh vực công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập dù mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức như công nghệ sản xuất trong nước còn lạc hậu, năng lực quản lý hạn chế, sức cạnh tranh kém…
Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cả nhà nước và doanh nghiệp cũng cần phải đổi mới tư duy làm xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường với hiệu quả tốt hơn.
Các chương trình xúc tiến thương mại cần được tổ chức bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng có thế mạnh, các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU bởi đây là những thị trường có cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho Việt Nam.
Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về thị trường, chia sẻ thông tin, định hướng cho doanh nghiệp cũng như tư vấn hoạch định chính sách.