Chính sách miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, các chính sách miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đóng góp lại vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc thu đúng, thu đủ các khoản thu đối với các phương thức mới sẽ giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách một cách bền vững.
Kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua?
Đại biểu Trần Anh Tuấn: Thời gian qua, tác động từ bên ngoài đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước, từ dịch bệnh tới các chiến sự ở Trung Đông, các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới ở mức khá cao... Những yếu tố này đã tác động đến các nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, trong nội tại nền kinh tế nước ta cũng còn nhiều khiếm khuyết cần chuyển động mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như: Chất lượng tăng trưởng còn thấp, năng suất lao động chưa cao, nền kinh tế thiên về thủ công, chưa có động lực đối với những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao... Cơ cấu kinh tế của nước ta còn yếu, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, khả năng chống chịu và phục hồi còn hạn chế.
Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta đã thực hiện khá tốt chính sách tài khoá và tiền tệ, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tương đối ổn định. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá cao, bình quân 3 năm khoảng 5,2%. Mức này không đạt mục tiêu đề ra là 6,5-7% nhưng được đánh giá là mức khá cao so với các nền kinh tế khác. Đây là một thành công đáng ghi nhận của chúng ta.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về các chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà ông vừa đề cập?
Đại biểu Trần Anh Tuấn: Trong điều hành chính sách chung, chúng ta đã triển khai các giải pháp tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư từ xã hội trong bối cảnh thu hút nguồn lực bên ngoài còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, Quốc hội đã có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách này đã đi vào cuộc sống, có những chính sách phát huy hiệu quả rất cao như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Đây là một trong những chính sách thành công, tạo đột phá trong kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các chính sách tiền tệ như: Giảm lãi suất để kích cầu đầu tư, tiêu dùng; ổn định tỷ giá trong thời gian dài, gần đây tỷ giá có tăng nhẹ nhưng tôi nghĩ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Các chính sách nêu trên đặc biệt là miễn giảm, gia hạn các loạt thuế như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp..., giảm lãi suất cùng với kiểm soát lạm phát dưới 4,5% đã giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, ổn định nền sản xuất trong nước.
Thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước
Phóng viên: Theo ông, trong bối cảnh triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, chúng ta cần làm gì để đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững?
Đại biểu Trần Anh Tuấn: Có thể thấy, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thời gian qua đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, tận dụng được dòng tiền được ưu đãi để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, hoạt động hiệu quả, đóng góp ngược lại vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, chúng ta đã thực hiện các chính sách khác để tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước như: thực hiện thu thuế với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới... Đây mặc dù là những phương thức mới nhưng chúng ta cũng phải khai tác tận dụng triệt để để thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong bối cảnh các hoạt động này gia tăng rất nhanh. Nhờ đó, chúng ta thấy rằng, thu ngân sách các năm qua đều vượt mặc dù thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững, chúng ta cần tiếp tục kiểm soát tốt các giao dịch phát sinh trong nền kinh tế, thu đầy đủ các khoản thu mà trước đây chưa thu đối với các phương thức mới như thương mại điện tử, mua bán qua mạng... Nếu kiểm soát tốt vấn đề này, chúng ta có thể có dư địa để tiếp tục triển khai các chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu đã trở lại mặc dù ngắn hạn hơn nhưng cầu của các nền kinh tế trên thế giới đã phục hồi, các doanh nghiệp sẽ hướng tới sản xuất xanh, có trách nhiệm với môi trường, xã hội, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu lớn. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phục hồi, từ đó giúp tăng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu. Ngoài ra, nền kinh tế phục hồi cũng sẽ thu hút được du lịch, thương mại..., đem lại nguồn thu cho ngân sách từ các hoạt động này.
Chúng ta cần sử dụng tốt nguồn thu này cho đầu tư những dự án, vùng kinh tế mang tính động lực giúp các vùng kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó đóng góp vào nguồn thu ngân sách bền vững hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!