Đổi mới, sáng tạo để vừa tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp

Trần Huyền

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã nỗ lực sáng tạo, tìm giải pháp tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tăng cường nguồn thu để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.

Cân đối ngân sách được đảm bảo

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả đạt được về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 và cho rằng nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng. Các đại biểu đánh giá, công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành có tính quyết định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, kiềm chế lạm phát...

Tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả năm 2023, chúng ta đã hoàn thành 10/15 chỉ tiêu, thu ngân sách tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so dự toán và so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Cùng với đó, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, duy trì ở mức thấp; công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được tăng cường, đã tập trung được nguồn lực cho các lĩnh vực then chốt; thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước ngày càng được cải thiện, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... 

Tại Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, năm 2023, kinh tế vĩ mô đã được điều hành đảm bảo ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2021 – 2025) đã đặt ra.

Kết quả thu ngân sách so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã vượt 8,2%, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023. "Đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng. Cử tri ghi nhận và đánh giá rất cao những kết quả hết sức tích cực này", Đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá.

Đổi mới, sáng tạo trong thu ngân sách

Lý giải về tốc độ thu ngân sách năm 2023 thấp hơn năm 2022 được đại biểu Quốc hội nêu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tăng trưởng GDP năm 2022 đến 8,02%, 2023 chỉ tăng 5,05% cũng ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, 2022 là năm đầu tiên thực hiện hoá điện tử (từ ngày 1/7/2022), nên các khoản thu sẽ tăng lên. Nguồn thu tăng lên đáng kể nhờ thực hiện thu các khoản mà trước đây chưa thu. Đây cũng là năm Bộ Tài chính triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo đúng Luật Quản lý thuế, nguồn thu này tăng lên hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã triển khai cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện quay thưởng hoá đơn may mắn...

Sang năm 2023, thu nội địa giảm khoảng 27 nghìn tỷ đồng, tức là giảm 2% so với năm 2022, riêng thu từ dầu thô chỉ đạt 79% do giá của năm 2022 là 104,7 USD/thùng nhưng năm 2023 chỉ 88 USD/thùng. Điều này dẫn đến giảm thu ngân sách.

Một vấn đề nữa là xuất nhập khẩu của năm 2023 chịu ảnh hưởng từ tình hình chiến tranh của Nga – Ukraine, lạm phát... nên các quốc gia thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và làm giảm thu ngân sách từ hoạt động này. Đó là những nguyên nhân khiến tốc độ thu ngân sách năm 2023 không được như năm 2022.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, về phía Bộ Tài chính, Bộ đã nỗ lực tìm mọi giải pháp, biện pháp, nỗ lực để tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là phải tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, có những khoản trước đây không thu được như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, hiện nay có 93 công ty công nghệ của nước ngoài như: Youtube, Google, Facebook, Microsoft… đã kê khai nộp thuế khoảng 14.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết thêm, năm nay, Bộ Tài chính sẽ tập trung thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, mua bán online. Hiện nay, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong kiểm soát các khoản thanh toán, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó thu được thuế trong lĩnh vực này. Gần 2 quý vừa qua, ngành Tài chính đã thu được khoảng 50 nghìn tỷ từ các khoản này.

"Đây là những nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, phải có sáng kiến, sáng tạo, đi đầu về công nghệ để làm được." - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng được phần mềm kiểm soát hoá đơn điện tử để chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế đã phát huy tính sáng tạo, thi đua đưa ra biện pháp, sáng kiến và viết phần mềm kiểm soát vấn đề này. Ngành Tài chính cũng đã kết nối máy tính tiền ở các nhà hàng, khách sạn... đến cơ quan thuế để triển khai xuất hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Ngành Thuế cũng triển khai quay hoá đơn may mắn như xổ số để khuyến khích người dân lấy hoá đơn. Hiện nay, 100% cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc cũng đã xuất hoá đơn điện tử theo từng lần bán, dữ liệu được kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

"Như vậy, ngành Tài chính đã liên tục sáng tạo, có các sáng kiến để áp dụng đúng pháp luật, thu đúng, thu đủ các khoản thu tiềm năng vào ngân sách nhà nước."- Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh việc chú trọng khoan sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm và 3 năm trước, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm 2024, Chính phủ đang trình Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%...

Những giải pháp nêu trên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tăng cường tập trung thu hút nguồn thu, cân đối chính sách tài khoá, nỗ lực tăng thu để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.