Loạt bài: Chính sách tài khóa: “Bệ đỡ” hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển
Bài 5: Chính sách tài khoá là mũi nhọn, là trọng tâm
Đó là nhận định của PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh khi trao đổi với Tạp chí Tài chính bên hành lang Quốc hội về chính sách tài khóa nói riêng và các chính sách nói chung hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế đã và đang được triển khai.
Phóng viên: Trong phiên thảo luận về chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao chính sách tài khóa trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển. Quan điểm cá nhân ông về nội dung này như thế nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: 3 năm qua, nền kinh tế nước ta cũng như cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19. Do đó, đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi, phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, chính sách tài khoá là mũi nhọn, là trọng tâm. Chúng ta phải dùng những chính sách quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp như: miễn, giảm, giãn thuế, tăng chi đầu tư phát triển, tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hỗ trợ…
Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói chung và chính sách tài khoá nói riêng giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân vừa có được sự chia sẻ từ chính sách miễn giảm thuế, vừa được tiếp cận nguồn lực tài chính từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ đó, có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn phải đảm bảo nguồn thu để tăng chi đầu tư, chi cho phát triển. Thu ngân sách nhà nước vẫn vượt dự toán, đặc biệt, năm 2023 mặc dù bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn nhưng thu ngân sách của chúng ta vẫn vượt dự toán được giao 8,1%, đảm bảo những khoản chi rất quan trọng của nền kinh tế.
Nhờ vừa đảm bảo chi nhưng vẫn tăng thu ngân sách nhà nước nên chúng ta đã kéo giảm được bội chi ngân sách, từ đó kéo giảm được nợ công, giúp chúng ta có thêm dư địa để tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
Tôi cho rằng đây là những thành công đáng ghi nhận của chính sách tài khoá.
Phóng viên: Như ông vừa chia sẻ, tuy chịu áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng ngành Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất các chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về các đề xuất này?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chúng ta phải chia sẻ với ngành Tài chính, nhất là vấn đề thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Hiện nay, chúng ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do FTA, các điều ước quốc tế rất nhiều nên các khoản thuế trong lĩnh vực này có xu hướng giảm đi theo các cam kết, dẫn đến khó khăn trong thực hiện thu ngân sách nhà nước.
Tôi cho rằng ngành Tài chính luôn chịu áp lực, vừa phải đảm bảo các khoản thu vào ngân sách nhà nước những cũng vừa phải duy trì các khoản chi hỗ trợ cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Hiện nay, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục triển khai các chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong đó có việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Theo tôi, chính sách này là cần thiết, góp phần hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Quốc hội cũng thống nhất với các đề xuất này và cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, chúng ta cần tiếp tục quan tâm hơn nữa vào việc chống thất thu ngân sách nhà nước, nhất là những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, điển hình như thương mại điện tử.
Phóng viên: Theo ông, cùng với chính sách tài khoá, để thúc đẩy doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển, chúng ta cần triển khai thêm các chính sách, giải pháp hỗ trợ nào?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Vấn đề hiện nay là làm sao để vực dậy, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn. Muốn như vậy thì cần phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, nhất là các giải pháp phát huy được tiềm năng, lợi thế của nước ta.
Cụ thể, tiềm năng của Việt Nam là lĩnh vực nông nghiệp, thì phải có giải pháp để giảm chi phí logistics. Hiện nay, chi phí này rất cao, muốn giảm thấp chúng ta phải đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, có các chính sách khuyến nông đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao gắn với vấn đề tín chỉ các bon.
Lĩnh vực thứ hai nước ta có thế mạnh đó là du lịch, Việt Nam được khách du lịch quốc tế ưa chuộng, 4 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quay lại cao hơn trước dịch COVID-19, đây là dấu hiệu rất tốt. Tuy nhiên, cần phải đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng du lịch, đầu tư tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, đầu tư hạ tầng giao thông thuận tiện…
Vấn đề thứ ba là chúng ta phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, quan tâm đến thị trường nội địa với khoảng 100 triệu dân của Việt Nam, là thị trường nằm trong Top 15 của thế giới với tầng lớp trung lưu ngày càng cao. Do đó, tôi cho rằng, một vấn đề quan trọng là cần thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước, thúc đẩy các hoạt động người Việt dùng hàng Việt chất lượng cao.
Bên cạnh đó là vấn đề thể chế. Trong tình hình hiện nay, nhiều biến động bất thường, bất định, khó dự báo đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp linh hoạt từ các bộ, ngành, địa phương. Muốn các địa phương thích ứng, linh hoạt thì cần có phân cấp, phân quyền. Do đó, thể chế của chúng ta cần hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương để địa phương có sự chủ động trong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Một vấn đề khác là thích ứng với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta phải kiên định mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, Net Zero… Hiện nay, các nước nhập khẩu đều đưa ra các yêu cầu vấn đề này đối với sản phẩm xuất khẩu vào nước họ.
Do đó, chúng ta cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh từ nhiều lĩnh vực. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới nhận được nhiều đơn hàng từ các quốc gia trên thế giới, tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu, từ đó đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!