Chính sách mới tiếp sức cho học sinh vùng khó khăn đến trường

PV.

Nhằm “tiếp sức” cho học sinh các khu vực khó khăn đến trường, trong những năm qua, Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2016/NÐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Chính phủ cũng thực hiện hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo cho mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở
Chính phủ cũng thực hiện hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo cho mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở

Với những chính sách mới của Chính phủ tại Nghị định này được đánh giá là nhân thêm nhiều cơ hội cho học sinh các vùng còn gặp nhiều khó khăn đến trường. Đồng thời, cũng thể hiện chính sách an sinh xã hội luôn được Chính phủ coi trọng thực hiện.

Với những quy định mới, các đối tượng trực tiếp được thụ hưởng chính sách là học sinh tiểu học,trung học phổ thông (THCS), trung học phổ thông (THPT) ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Mặt khác, các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này.

Để đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách thì, quy định mới đưa ra học sinh tiểu học và THCS được hưởng chính sách hỗ trợ phải bảo đảm một trong các điều kiện sau:

Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;

Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi;

Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Cùng với đó, chính sách cũng hướng đến đối tượng học sinh nhà ở xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi…

Chính phủ cũng thực hiện hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo cho mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;

Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Bên cạnh đó, các trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; Mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

Đồng thời, được hỗ trợ tập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học…