Chính sách một con và nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế Trung Quốc
Thế hệ millennials của Trung Quốc – xương sống cho sự phát triển kinh tế, sẽ già đi. Sự thay đổi trong chi tiêu của họ theo gánh nặng nhân khẩu học có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc đã khai tử chính sách một con sau vài thập kỷ áp dụng. Nhưng hậu quả của chính sách này là giờ đây, nhân khẩu học Trung Quốc biến thành dạng đồng hồ cát. Phần đỉnh là người già, phần đáy là người rất trẻ, còn nhóm rường cột là phần eo thắt.
Điều này tạo ra một viễn cảnh không mấy tươi đẹp cho tương lai kinh tế Trung Quốc, khi một số lượng trẻ em “con một” sẽ dựa vào sự chăm sóc của 2 phụ huynh lớn tuổi và 4 người ông bà, tạp chí Wired (Anh) nhận xét.
Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay được nhắc tới kèm theo trụ cột là khái niệm “Thế hệ BAT”. Nó đề cập đến việc 3 gã khổng lồ công nghệ đang tạo sức ảnh hưởng cực lớn lên thế hệ trưởng thành cùng nó gồm Baidu, Alibaba và Tencent. Xương sống của kinh tế Trung Quốc thời BAT là một tầng lớp trung lưu mạnh mẽ 430 triệu người, dự kiến có thể tăng lên 659 triệu vào năm 2030.
Những người trẻ thuộc thế hệ millennials (sinh ra từ năm 1980 tới đầu những năm 2000) đang thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. Họ chi rất nhiều tiền và tiết kiệm ít – điều này có thể kích thích kinh tế. Và đặc biệt, thay vì mua hàng ngoại từ Apple đến Gucci, nhóm millennials này đang ngày càng chuộng hàng trong nước hơn. Đây là kết quả trộn lẫn giữa chất lượng của hàng Trung Quốc lẫn tâm lý cần nỗ lực cho bản sắc dân tộc - một phong trào mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy trong các sáng kiến mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này lên toàn cầu.
Sức mua của nhóm nhân khẩu học này cũng đồng nghĩa các sản phẩm mới và tiến bộ công nghệ đều phải ngày càng dựa trên nhu cầu của “thế hệ BAT”. Và từ đó, họ mới mong vươn tầm thế giới nhờ vào sức mạnh của kinh tế Trung Quốc – vốn dĩ đang mang theo tham vọng chi phối thế giới mà điển hình là sáng kiến Vành đai – Con đường. Nói cách khác, “thế hệ BAT” đang định hình sự phát triển của sản phẩm và công nghệ.
Nhưng “thế hệ BAT”, cũng như bao thế hệ khác, rồi cũng phải già đi. Chính vì vậy thói quen chi tiêu của họ cũng thay đổi, và đồng nghĩa nền kinh tế Trung Quốc cũng phải thay đổi.
Tính tới năm 2030, thế hệ này sẽ đại diện cho khoảng 40% dân số Trung Quốc và dự kiến đạt đỉnh cao trong việc kiếm tiền ở độ tuổi từ 30 tới 50, nhưng cũng sẽ đối mặt với việc phải cân nhắc chi tiêu cho gia đình, ước tính có 100 triệu người già và 224 triệu trẻ em. Điều đó khiến họ sẽ thực dụng trong chi tiêu hơn.
Ngoài ra, thay vì chi cho các thương hiệu sang trọng, họ sẽ tập trung nhiều vào y tế, giáo dục, bảo hiểm... cho con cái. Điều này cũng sẽ là viễn cảnh mà các công ty tại Trung Quốc cần cân nhắc.