Chính sách, pháp luật về an ninh mạng trên thế giới: Ưu tiên chính sách quốc gia

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Do đó, Chính phủ các nước trên thế giới coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu thế toàn cầu

Internet và công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời, hình thành nên một dạng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Cùng với đó, các mối đe dọa từ không gian mạng không ngừng tăng lên và thay đổi nhanh chóng.

Báo cáo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu năm 2017 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thuộc Liên Hợp Quốc cho biết, gần 1% email được gửi đi trong năm 2016 về cơ bản là các vụ tấn công nguy hiểm, tỷ lệ cao nhất trong những năm gần đây.

Các vụ tấn công ransomware (mã độc tống tiền) ngày càng ảnh hưởng tiêu cực hơn tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những kẻ tấn công cũng đòi hỏi nhiều hơn từ các nạn nhân, với trung bình mỗi yêu cầu tiền chuộc trên 1.000 USD trong năm 2016, tăng khoảng 300 USD so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, chỉ có một nửa số nước trên thế giới có chiến lược an ninh mạng hoặc đang trong quá trình đề ra chiến lược liên quan tới vấn đề này. Cụ thể, khoảng 38% quốc gia trên thế giới đã công bố chiến lược an ninh mạng. Trong đó, chỉ 11% quốc gia có chiến lược độc lập, chuyên dụng về an ninh mạng.

Ngoài ra, 12% quốc gia đang phát triển chiến lược. Mặc dù vậy, Báo cáo của ITU cũng cho biết, 61% quốc gia có lực lượng phản ứng khẩn cấp về an ninh mạng ở tầm quốc gia. 43% quốc gia có các chương trình phát triển năng lực về bảo đảm an ninh mạng dành cho lực lượng thực thi pháp luật và hệ thống tư pháp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng và mở rộng không gian mạng tập trung vào khối lượng dữ liệu khổng lồ, điện toán đám mây và IoT (Internet of Things) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của các quốc gia.

Thiệt hại do các cuộc tấn công mạng nhằm vào không gian mạng có thể dẫn đến sự xáo trộn về xã hội, thậm chí làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, do các cuộc tấn công tăng lên cả về tần suất, cường độ và mức độ nguy hiểm. Các tin tặc được tổ chức và hoạt động có mục đích cả về mặt chính trị và kinh tế. Trong bối cảnh đó, ITU cho rằng, các Chính phủ cần nhiều nỗ lực hơn trong bảo đảm an ninh mạng, nhất là đặt ưu tiên cao cho việc xử lý những nguy cơ đến từ không gian mạng.

Với việc thừa nhận rộng rãi mức độ ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực của không gian mạng đối với đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, an ninh mạng đã trở thành một trong những ưu tiên trong chính sách của các quốc gia. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật, dưới luật về an ninh mạng.

Nhận thức về vấn đề này đã được cụ thể hóa thành các chiến lược an ninh mạng, các đạo luật hoặc tương tự tại trên 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý nhằm đối phó với các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng.

4 điểm chung 

Mặc dù khái niệm an ninh mạng ở mỗi quốc gia có phạm vi khác nhau, nhằm vào các đối tượng khác nhau cũng như có cách đo đếm khác nhau, nhưng nhìn chung, các chiến lược an ninh mạng trên thế giới chia sẻ 4 điểm tương đồng sau:

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa các Chính phủ ở cấp độ chính sách và hoạt động. Do an ninh mạng trở thành ưu tiên cấp quốc gia, trách nhiệm trong hoạch định và thực thi chính sách về an ninh mạng thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, không một cơ quan ngành dọc nào có thể hiểu biết toàn diện và đủ năng lực quản lý tất cả các khía cạnh của an ninh mạng. Do đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan là rất quan trọng.

Thứ hai, tăng cường hợp tác công tư. Không gian mạng phần lớn được kiểm soát và vận hành bởi khu vực tư. Do vậy, sự hợp tác công - tư (trong đó có thể gồm có doanh nghiệp, xã hội dân sự, cộng đồng công nghệ và giới học giả) là cần thiết, nhằm ứng phó một cách thích hợp những mối đe dọa nhằm vào không gian mạng.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế. Nhiều quốc gia đã nhận thấy tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế về không gian mạng. Các vấn đề an ninh mạng sẽ không thể giải quyết được bởi một quốc gia đơn lẻ, mà cần có sự hợp tác trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trở nên khó khăn do chính sách an ninh của các quốc gia liên quan đến thông tin mật về an ninh quốc phòng.

Thứ tư, những giá trị cơ bản của internet cần phải được tôn trọng. Nói cách khác là những giá trị cơ bản của việc sử dụng internet như tính riêng tư, tự do ngôn luận và tự do trao đổi thông tin trong chiến lược an ninh mạng của các quốc gia được đề cao.