Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hà Tĩnh
Ngày 18/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội khoá XIV cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri tại Đại học Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Thông báo tới cử tri về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất nông nghiệp “được mùa, được giá”.
Phó Thủ tướng đưa ra minh chứng: Vải thiều được mùa, gấp đôi sản lượng và giá cao nhờ xúc tiến ra nước ngoài và vào miền Nam. Năng suất lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 1,3 triệu tấn so với năm ngoái, nhưng giá bán cao hơn nhờ các cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến các hợp đồng xuất khẩu gạo và chất lượng gạo cũng cao hơn trước.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ: “Những năm trước, thời điểm này Chính phủ phải có chính sách tạm trữ lúa, nhưng giờ chưa phải dùng tới”.
Về kết quả của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, Phó Thủ tướng cho biết, Quốc hội đang cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Trao đổi về những kiến nghị của cử tri về liên quan đến thực hiện hiệu quả xã hội hoá giáo dục, đẩy
mạnh tự chủ trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học, nhằm nâng cao chất
lượng giảng dạy và chất lượng của nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, giáo dục-đào tạo và y tế là hai lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung đầu tư về cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Trung ương cũng vừa ban hành các nghị quyết quan trọng về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, nhằm đưa giáo dục thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu” của đất nước, dân tộc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các cử tri rằng, xã hội hoá giáo dục không đồng nghĩa với tình trạng lạm thu trong giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, cần kiểm soát để không xảy ra lạm thu trong giáo dục và đẩy mạnh tự chủ, xã hội hoá trong giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội và quản lý hiệu quả nguồn lực này vào đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích thêm: “Tự chủ giáo dục, tự chủ đại học phải hiểu là có lộ trình 4 bước. Đầu tiên là tính chi phí tiền lương vào học phí, sau đó là các chi phí vật tư thiết bị y tế, chi phí quản lý và khấu hao. Thực hiện lộ trình tự chủ trong giáo dục được Chính phủ tính toán cho kịp thời, phù hợp với mục tiêu lạm phát, khả năng chi trả của người dân. Đi liền với đó là đẩy mạnh tín dụng chính sách trong học sinh-sinh viên, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”.
Thông báo tới cử tri việc Ban Chấp hành Trung ương vừa thông qua Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Để thực hiện được Nghị quyết, Chính phủ sẽ xác định vị trí việc làm từ cấp cao nhất của Nhà nước tới vị trí thấp nhất của bộ máy, gắn với từng trách nhiệm, công việc cụ thể để trả lương. Động lực và nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương là việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập...
Tại hội nghị, cử tri Hà Tĩnh bày tỏ vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đồng thời, đánh giá kỳ họp thứ 5 diễn ra ngắn gọn nhưng bảo đảm chất lượng trong công tác giám sát và xây dựng pháp luật; Việc đổi mới phương thức chất vấn và trả lời chất vấn tạo sức ép trong đặt vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, nhưng bảo đảm được chất lượng thông tin, cũng như các thông điệp của Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành.
Cử tri cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc các cơ quan tư pháp, hành pháp đã quán triệt chỉ đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm” trong xử lý các hành vi tham nhũng, tin tưởng vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội...; Lên án các đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, chống phá chính quyền ở một số địa phương cách đây hơn một tuần nhằm phản đối việc thông qua Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng...
Những ý kiến đóng góp của cử tri sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp thu, trình Ban dự thảo luật của Quốc hội điều chỉnh phù hợp.