Chính sách phát triển ô tô điện hướng tới nền kinh tế xanh


Để đạt được thành công trong phát triển thị trường ô tô điện nội địa, nhiều nước trên thế giới đã ban hành các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, lệ phí trước bạ, mua sắm công, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tài chính trực tiếp và các chính sách khác. Châu Âu và Trung Quốc hiện là hai thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm lần lượt 42% và 41% tổng doanh số xe ô tô điện toàn cầu. Để khuyến khích phát triển ô tô điện tại Việt Nam, việc tìm hiểu kinh nghiệm triển khai các chính sách ưu đãi phát triển ô tô điện của các nước trong đó có kinh nghiệm của châu Âu và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng.

Các sản phẩm ô tô điện trên thế giới hiện nay

Xe ô tô điện là loại xe chỉ có khả năng di chuyển bằng năng lượng điện. Trên thế giới, có 4 loại xe ô tô được xem là xe ô tô điện: Xe chạy bằng pin (BEV), xe chạy bằng nhiên liệu Hydro (FCEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe hybrid (chạy bằng động cơ đốt trong và động cơ điện). Hiện nay, trên thị trường ô tô điện các nước có hai loại xe điện chính là xe điện chạy bằng pin (BEV) và xe điện hybrid sạc ngoài (PHEV).

Xe ô tô điện chạy bằng pin (BEV) chỉ được cung cấp năng lượng bằng điện được tích trữ trong bộ pin trên xe hơi. Thông thường xe ô tô điện chạy bằng pin chỉ chạy được quãng đường liên tục từ 80 dặm đến 270 dặm tùy vào dung lượng pin và sau đó xe BEV phải được sạc pin để tiếp tục hoạt động.

Xe hybrid sạc ngoài (PHEV) có gói dung lượng pin nhỏ hơn BEV. Xe PHEV có thể chạy bằng năng lượng pin trong quãng đường khoảng 11 dặm đến 38 dặm trước khi chuyển sang động cơ đốt trong để chạy. Xe PHEV không tạo ra khí thải các bon khi di chuyển bằng năng lượng pin, nhưng sẽ thải các bon ra môi trường khi động cơ đốt trong hoạt động.

Ngoài ra, các nước còn sử dụng loại xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV) vận hành như ô tô điện chạy bằng pin. Theo tổ chức Liên minh các nhà Khoa học ở Hoa Kỳ (Union Concerned of Scientist), xe ô tô FCEV sử dụng khí gas để làm nhiên liệu dùng để sản xuất năng lượng điện cho xe chứ không dùng động cơ đốt trong như xe ô tô thông thường. Xe ô tô FCEV được xem là thân thiện với môi trường khi chỉ xả thải ra nước, nhiệt ra môi trường trong quá trình vận hành và loại xe này được xem như một loại ô tô điện nhưng khác với ô tô điện thông thường là quy trình nạp nhiên liệu không giống với xe ô tô điện chạy bằng pin.

Xe FCEV được khuyến khích sử dụng thay thế xe ô tô chạy bằng năng lượng đốt trong theo đạo luật về chính sách năng lượng của Hoa Kỳ năm 1992. Tương tự xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống, xe FCEV có bình lưu trữ khí ga trong xe và cần nạp nhiên liệu ga để vận hành cho mỗi quãng đường đi khoảng 300 dặm. Ngoài ra, xe FCEV còn trang bị các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả vận hành như thiết kế hệ thống phanh tái tạo, giúp thu năng lượng bị mất trong quá trình phanh và lưu trữ trong pin.

Xe ô tô hybrid là dòng xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống và động cơ điện. Việc sử dụng động cơ điện trong xe ô tô hybrid sẽ góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường so với xe ô tô chạy duy nhất bằng động cơ đốt trong truyền thống. Các xe ô tô hybrid trang bị các công nghệ như phanh tái tạo giúp chuyển đổi động năng của xe thành năng lượng điện, được lưu trữ trong pin hoặc siêu tụ điện.

Một số loại ô tô hybrid sử dụng động cơ đốt trong để chạy một máy phát điện nhằm sạc lại pin của xe hoặc cấp nguồn điện trực tiếp cho các động cơ truyền động điện của nó. Xe ô tô hybrid giảm được khí thải bằng cách ngắt động cơ đốt trong chạy bằng xăng và thay vào đó sẽ sử dụng động cơ điện, động cơ đốt trong sẽ khởi động lại khi cần thiết. Do đó, so với xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống thì xe ô tô hybrid xả ít khí thải ra môi trường hơn.

Chính sách phát triển ô tô điện tại các nước trên thế giới

Để đạt được thành công trong phát triển thị trường ô tô điện nội địa, nhiều nước trên thế giới đã ban hành các chính sách hỗ trợ như chính sách tài khóa và các chính sách chương trình ưu đãi khác… Cụ thể:

Chính sách tài khóa

Chính phủ một số quốc gia tại châu Âu như Thụy Sỹ và Pháp áp dụng hỗ trợ trực tiếp cho người mua khoảng 1.000 Euro và 6.000 Euro đối với mỗi xe ô tô điện. 11 thành phố trong tổng số 15 thành phố có thị trường ô tô điện phát triển nhất châu Âu đã thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ hoặc miễn lệ phí trước bạ đối với xe điện (Amsterdam, Birmingham, Brussels Copenhagen...). Tại Na Uy, người mua xe ô tô điện chạy bằng năng lượng pin được miễn thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế miễn giảm tương đương khoảng 25% giá trị ròng của xe ô tô điện. Pháp miễn thuế sở hữu xe cho ô tô điện.

Tại Anh, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) quy định mức thuế suất hay mức tiền thuế phải nộp dựa vào lượng khí thải các bon của xe ô tô, giá niêm yết và năm đăng ký xe. Quy định này được áp dụng từ tháng 3/2001, trước đó quốc gia này áp dụng thuế TTĐB dựa vào kích cỡ động cơ xe. Theo đó, xe ô tô điện chạy bằng năng lượng pin được miễn thuế TTĐB áp dụng từ tháng 4/2020.

Xe ô tô hybrid sạc ngoài (chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện) được giảm thuế TTĐB so với xe ô tô chạy bằng năng lượng đốt trong thông thường. Cụ thể, đối với xe hybrid sạc ngoài (PHEV) chỉ phải nộp thuế TTĐB dưới 100 bảng Anh cho năm đầu chạy xe và các năm sau đó mỗi năm nộp 140 bảng Anh/năm. Trong khi đó, đối với xe ô tô chạy bằng năng lượng đốt trong thông thường có giá dưới 40 nghìn bảng Anh thì sẽ áp dụng mức thuế TTĐB là 140 bảng Anh/năm và đối với xe ô tô có giá trên 40 nghìn bảng Anh thì sẽ phải đóng thêm thuế TTĐB là 325 bảng Anh/năm.

Nhiều thành phố lớn ở châu Âu áp dụng miễn phí hoặc ưu đãi phí đỗ xe cho ô tô điện (Amsterdam, Berlin, Brussels, Hamburg, Helsinki, Luân Đôn, Madrid, Oslo, Paris...); miễn phí (Olso) hoặc ưu đãi phí sạc điện đối với ô tô điện (tại Pháp, các xe điện khi sạc điện tại các trạm sạc chịu mức phí là 120 Euro/năm cho mục đích sử dụng cá nhân, khoảng 600 Euro/năm cho mục đích sử dụng thương mại). Bên cạnh đó, nhiều thành phố (Oslo, Stockholm và Luân Đôn) cũng thực hiện giảm giá hoặc miễn phí đối với phí đường bộ và phí tắc đường đối với các loại xe ô tô điện để khuyến khích người dân chuyển từ sử dụng xe ô tô chạy bằng xăng dầu sang xe ô tô điện.

Các nước châu Âu cũng có các chương trình mua sắm công để tăng cầu cho thị trường xe ô tô điện. Tại Brussel (Bỉ), các nhà quản lý thành phố đặt mục tiêu 40% số lượng mua sắm xe mới hay thuê xe của chính quyền là xe ô tô điện. Tại Madrid (Tây Ban Nha), chính quyền thành phố đặt mục tiêu 90% xe ô tô công của thành phố có trọng tải dưới 3,5 tấn là xe ô tô điện đến năm 2030.

Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng xe điện trong nội địa. Trong đó, chính sách tài khóa bao gồm trợ cấp sản xuất, miễn thuế, mua sắm công, hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện và các chính sách khác nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính gồm: Làm sạch không khí ở các thành phố, giảm kim ngạch nhập khẩu dầu tiêu thụ cho xe ô tô và trở thành quốc gia đứng đầu trong phát triển sản xuất ô tô điện.

Trung Quốc áp dụng thuế TTĐB cho ô tô điện với các mức thuế suất theo kích cỡ động cơ (3% xe nhỏ; thuế suất 5% xe kích cỡ vừa, thể thao và đa dụng; và thuế suất 9% xe lớn). Mức thuế suất thuế TTĐB của ô tô điện bằng hoặc thấp hơn tương đối so với xe cùng phân khối động cơ nhưng chạy bằng xăng hoặc dầu. Cụ thể, đối với xe ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu thì áp dụng thuế suất thuế TTĐB từ 3 - 5% cho xe ô tô nhỏ, 5 - 8% cho xe ô tô dạng compact và 8 - 20% cho xe động cơ lớn. Ngoài ra, thông thường đối với xe ô tô sẽ bị chịu thuế bán lẻ là 10% khi mua xe, nhưng từ năm 2020 Chính phủ Trung Quốc đã miễn thuế bán lẻ cho xe ô tô điện. Lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện cũng chỉ áp dụng ở mức 50% so với xe ô tô chạy bằng xăng và dầu.

Chính phủ Trung Quốc cũng có các biện pháp tăng cầu cho thị trường ô tô điện, từ tháng 5/2016 khi quy định mua sắm công của Nhà nước đối với xe ô tô thì một nửa số xe ô tô mua mới của chính quyền trung ương phải thuộc dòng xe năng lượng mới thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cung cấp tài chính để xây dựng các trạm sạc điện cho xe điện và thiết lập các yêu cầu tiêu chuẩn cho vận hành mỗi trạm sạc điện. Trong năm 2020, Trung Quốc có 120 nghìn trạm sạc điện và 4,8 triệu cây sạc trong các trạm sạc này. Ngoài ra, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố có các ưu đãi tài chính cho chủ sở hữu các tòa nhà để họ có thể cung cấp các trạm sạc điện cho người dân sinh sống trong các tòa nhà đó.

Các chính sách khác

Tại châu Âu, xe ô tô điện cũng được ưu đãi trong tiếp cận các dịch vụ về cơ sở hạ tầng (Marid, Oslo và Rotterdam). Tại Madrid, xe ô tô điện được di chuyển vào làn đường riêng với độ rộng dành cho xe ô tô từ 2 người trở lên. Tại Oslo (Na Uy), xe ô tô điện được phép di chuyển trong làn đường dành riêng cho xe ô tô bus. Tương tự, tại Rotterdam (Hà Lan), xe taxi điện được sử dụng một số làn đường dành cho xe ô tô bus.

Cung cấp đầy đủ các trạm sạc điện cho xe ô tô điện là một trong những chìa khóa để khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện tại các thành phố ở châu Âu. Một số quốc gia như: Áo, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển và Anh dành ngân sách để triển khai lắp đặt hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện công cho xe ô tô điện. Ngoài ra, các nước này cũng khuyến khích phát triển các trạm sạc điện tư nhân thông qua các ưu đãi cho việc lắp đặt xây dựng các trạm sạc điện này ở khu dân cư và nơi làm việc. Chẳng hạn, tại Pháp, các công ty taxi điện có thể nhận được hỗ trợ lên tới 50% chi phí lắp đặt các trạm sạc điện từ Chính phủ.

Tại Trung Quốc, nhiều chương trình phát triển ô tô điện với tổng trị giá 1,5 tỷ USD (gồm gói trợ cấp và cho vay tín dụng ưu đãi) đã được đưa ra từ giai đoạn 2009 - 2012. Đồng thời, quốc gia này cũng thiết lập các chương trình thí điểm quy mô lớn vận hành các loại xe buýt điện đô thị, xe tải vệ sinh và taxi sử dụng dòng ô tô điện với mục tiêu phổ biến dòng ô tô điện sang khu vực hoạt động thương mại và tư nhân.

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chỉ cho phép xe ô tô thông thường chạy trong một số ngày cụ thể trong một tuần dựa vào số biển số xe, nhưng quy định này không áp dụng đối với xe ô tô điện. Trong khi đó, một số đô thị lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến đã đưa ra mục tiêu là toàn bộ xe taxi trong thành phố sẽ chuyển sang dòng xe ô tô điện trong những năm tới. Tại tỉnh Hải Nam, các xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm bán từ năm 2030.

Ngoài ra, đối với việc cấp phép cho các nhà máy sản xuất ô tô mới, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu những nhà máy này phải có sản xuất các dòng xe ô tô điện hay nhập khẩu các ô tô điện theo tỷ lệ tối thiểu. Theo đó, ô tô điện và các loại xe thân thiện với môi trường khác phải chiếm 10% và 12% trong tổng số xe ô tô thông thường được sản xuất và nhập khẩu trong năm 2019 và 2020; tỷ lệ này tiếp tục được yêu cầu tăng lên 14%, 16% và 18% trong giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thực hiện mục tiêu ô tô điện sẽ được sử dụng phổ biến đến năm 2030.

Nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc cũng ban hành các chính sách, các quy định khác để phát triển thị trường ô tô điện tại địa phương như cấp biển số xe ô tô điện nhanh và rẻ hơn so với xe ô tô thông thường. Tại Thượng Hải, thành phố này miễn phí cấp biển số xe ô tô điện, trong khi đối với xe ô tô thông thường phải cấp biển số có thể lên tới hơn 12.000 USD. Hầu hết các thành phố, tỉnh hay các địa phương ở Trung Quốc đều miễn phí hoặc áp giá ưu đãi đối với phí đỗ xe ô tô điện…

Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

Chính sách tài khoá

Hiện nay, chính sách thuế TTĐB của Việt Nam ưu đãi cho các dòng xe ô tô điện hơn so với các xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong khi thuế suất dao động trong khoảng 5% - 15% tuỳ vào phân khúc xe ô tô điện. Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển xe ô tô điện với mục tiêu phát triển nền công nghiệp ô tô bản địa và bảo vệ môi trường, ngoài ưu đãi về chính sách thuế TTĐB thì Việt Nam có thể áp dụng các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện nhằm giảm giá, tăng sự cạnh tranh của xe ô tô điện so với các dòng xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cầu cho thị trường ô tô điện, Chính phủ có thể yêu cầu một tỷ lệ nhất định về mua sắm xe công hằng năm hoặc thuê xe sử dụng các dòng xe ô tô điện; các phương tiện công cộng nên được khuyến khích sử dụng các dòng xe ô tô điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các chính sách cần hướng tới tăng tính tiện ích của việc sử dụng xe ô tô điện thông qua lắp đặt các hệ thống sạc điện công do Chính phủ đầu tư và đưa ra các ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân lắp đặt vận hành các trạm sạc điện ở các tòa nhà dân cư, công sở.

Thời gian tới, nhằm giảm sức ép cạnh tranh từ các hãng xe ô tô điện nhập khẩu trên thế giới đối với các hãng xe ô tô điện nội địa của Việt Nam, thì các ưu đãi thuế TTĐB hay lệ phí trước bạ có thể được điều chỉnh theo hướng chỉ ưu đãi đối với một số lượng xe ô tô điện nhập khẩu nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần cân nhắc, xem xét về quy tắc về đối xử công bằng, bảo hộ thương mại theo các điều khoản trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, chính sách thuế, tín dụng và các chính sách ưu đãi khác cần hướng tới tạo lợi thế hơn cho các doanh nghiệp ô tô nội địa có tỷ lệ nội địa hoá cao, làm chủ được các công nghệ cốt lõi.

Trên thế giới, thông thường, cả 4 dòng xe điện đều được ưu đãi thuế suất thuế TTĐB so với ô tô chạy duy nhất bằng động cơ đốt trong. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ như Anh thì Việt Nam nên ưu đãi về thuế TTĐB cao hơn đối với dòng xe ô tô điện chạy bằng pin và xe ô tô FCEV so với xe ô tô PHEV và xe ô tô hybrid vì xét theo tiêu chí lượng xả thải các bon ra môi trường thì dòng xe ô tô điện chạy bằng pin và ô tô FCEV gần như không xả thải các bon ra môi trường, trong khi xe ô tô PHEV và xe ô tô hybrid vẫn sử dụng động cơ đốt trong và xả thải ra môi trường.

Hiện nay, Tập đoàn Vingroup đã kiến nghị với Chính phủ về thí điểm miễn thuế TTĐB và lệ phí trước bạ đối với sản xuất ô tô điện trong 5 năm. Trên thế giới, tuỳ từng quốc gia mà sẽ có mức độ ưu đãi thuế TTĐB hay lệ phí trước bạ khác nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc chỉ ưu đãi thuế TTĐB và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện với thuế suất ở mức thấp chứ không miễn thuế và phí hoàn toàn, trong khi Bỉ áp dụng miễn lệ phí trước bạ; Na Uy miễn thuế giá trị gia tăng cho ô tô điện chạy bằng pin.

Tại Hàn Quốc, các tập đoàn sản xuất ô tô để nhận được các ưu đãi về chính sách cần có các đóng góp nhất định trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp ô tô quốc gia và chính phủ sẽ dừng các ưu đãi khi các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả theo định hướng của chính phủ. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét tạm thời chưa áp dụng ngay miễn thuế TTĐB và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện.

Thay vào đó, sẽ điều chỉnh hạ mức thuế suất TTĐB và lệ phí trước bạ đối với ô tô điện trong Luật sửa đổi thuế TTĐB và trong trung hạn có thể sẽ có các ưu đãi tiếp theo về chính sách thuế, phí nếu các chính sách ưu đãi về thuế, phí trước đó có tác động tích cực tới phát triển thị trường ô tô điện và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất ô tô điện.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế, phí theo tinh thần Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 1168/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/07/2014).

Chính sách khác

Đối với việc cấp phép cho các nhà máy sản xuất ô tô mới có công suất sản xuất, kinh doanh ô tô lớn, Chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu những nhà máy này phải có sản xuất các dòng xe ô tô điện hay nhập khẩu các ô tô điện theo tỷ lệ tối thiểu nhằm thực hiện mục tiêu tăng dần tỷ lệ sử dụng ô tô điện trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung các doanh nghiệp sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam nằm trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và được vay vốn lãi suất thấp hơn.

Trong thời gian đầu, cân nhắc thí điểm vận hành xe điện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Thí điểm vận hành các xe bus điện chạy trong thành phố, có quy định về làn đường riêng cho các xe bus chạy bằng điện để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường...

Tài liệu tham khảo:

1. S. Wappelhorst, D. Hall, M. Nicholas, N. Lutsey (2020), Analyzing Policies to Grow The Electric Vehicle Market in European Cities. ICCT White Paper;

2. P. Mock and Z. Yang (2014), A Global Comparison of Fiscal Incentive Policy for Electric Vehicles. ICCT White Paper;

3. Center on Global Energy Policy (2020), Guide to Chinese Climate Policy: Electric Vehicles. Columbia University;

4. Vingroup xin ưu đãi thuế, phí cho ô tô điện, taichinhdoanhnghiep.net.vn.

* ThS. Hồ Ngọc Tú – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

* ThS. Phạm Quỳnh Lan - Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.