Chính sách tài chính hướng tới nền kinh tế xanh: Kinh nghiệm của một số nước châu Á

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2020

Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế, môi trường và tài nguyên ngày càng bị xuống cấp. Bên cạnh đó, các hiện tượng biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, thiên tai đã, đang và sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân loại, đe dọa tới sự phát triển kinh tế. Chính vì thế, các nước trên thế giới đã tìm cho mình con đường phát triển hướng tới nền kinh tế xanh. Cùng chung xu hướng đó, một số nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là chính sách tài chính, nhằm phát triển nền kinh tế xanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chính sách tài chính hướng tới nền kinh tế xanh tại một số nước châu Á

Hiện nay, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên, tỷ lệ ô nhiễm môi trường được đánh giá là tăng lên từng ngày và hậu quả là người nghèo dễ bị tổn thương nhất trước tình hình không khí ngày một ô nhiễm, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia.

Nhiều nước châu Á ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế xanh. Trong khu vực phụ thuộc nhiều nguồn tài nguyên và năng lượng nhập khẩu như châu Á thì việc phát triển mô hình kinh tế xanh được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp. Để hướng tới nền kinh tế xanh, một số nước trong khu vực đã đưa ra các chính sách, nhằm hỗ trợ nền kinh tế xanh, trong đó có chính sách tài chính.

Các chính sách huy động nguồn lực tài chính

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, một số nước châu Á đã tiến hành huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn tài trợ khác nhau như: các quỹ tài trợ quốc tế, nguồn tài chính công trong nước và khu vực tư nhân. Cụ thể như:

Tại Trung Quốc, đã đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đề ra mục tiêu giảm thiểu 10% phát thải nitơ ôxít và thiết lập thêm năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch.

 Nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, cắt giảm phát thải carbon, Trung Quốc đã huy động nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn tài chính công. Thông qua chương trình “1000 doanh nghiệp”, Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng. Ví dụ, trong năm 2011, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Trung Quốc đã đầu tư gần 416 tỷ NDT (trong đó, hơn 30% là từ nguồn tài chính công, 50% từ các do tự chủ về tài chính (gồm cả DNNN), 20% số còn lại từ các nguồn khác như từ các ngân hàng và ESCO) để cải thiện hiệu quả năng lượng. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ thịthưởng chuyên biệt có nguồn từ NSNN để thưởng cho các doanh nghiệp tiến hành cải tạo kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; thành lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm).

Tại Hàn Quốc, theo Kế hoạch 5 năm về tăng trưởng xanh (2009-2013), tổng ngân sách dành cho tăng trưởng xanh của Hàn Quốc trong 5 năm là 90 tỷ USD (tương đương 2% GDP mỗi năm), trong đó năm 2009 là 14 tỷ USD và năm 2010 là 17 tỷ USD. Chính phủ Hàn Quốc cũng tăng cường chi đầu tư và phát triển xanh từ mức 1,2 tỷ USD (năm 2008) lên 1,8 tỷ USD trong năm 2010. Trong đó, tập trung vào các công nghệ xanh cơ bản như: pin, hạt nhân, lưu trữ carbon, lưới điện thông minh, pin năng lượng mặt trời… Kế hoạch này nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của "Chiến lược tăng trưởng xanh" của Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc, chi cho môi trường của Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng khá mạnh, đặc biệt đã bố trí 210 tỷ NDT trong gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT thời kỳ hậu khủng hoảng và suy thoái toàn cầu cho việc thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, giảm lượng phát thải, tái chế và bảo vệ môi trường... Năm 2010, Trung Quốc đã chi 244,198 tỷ NDT cho môi trường, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2009 và chiếm 2,7% tổng chi ngân sách. Trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc chi 3.000 tỷ NDT (450 tỷ USD) cho việc bảo vệ môi trường.

Hai là, tăng chi đầu tư khuyến khích tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Các nước thực hiện thông qua các biện pháp như: nghiên cứu và phát triển năng lượng xanh gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hệ thống pin mặt trời (Hàn Quốc); lập quỹ thưởng cho các doanh nghiệp tiến hành cải tạo kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng và lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm (Trung Quốc).

 Tại Hàn Quốc, Chính phủ đầu tư 5.000 tỷ won (4,3 tỷ USD) vào năm 2008 để phát triển lĩnh vực năng lượng xanh đến năm 2012. Đây là một phần trong chiến lược trọng điểm của Tổng thống Lee Myung-bak vốn được gọi là "Kế hoạch tăng trưởng xanh, ít carbon" nhằm đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Theo Chính phủ Hàn Quốc, từ 2008 đến năm 2012, khoản tiền trên được chi cho nghiên cứu và phát triển năng lượng xanh như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hệ thống pin mặt trời.

Tại Trung Quốc, tháng 6/2011, Ủy ban cải cách phát triển Trung Quốc và Bộ Tài chính Trung Quốc đã cho phép thành lập các quỹ thưởng chuyên biệt có nguồn từ NSNN để thưởng cho các doanh nghiệp tiến hành cải tạo kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng. Quỹ thưởng mới này của Trung Quốc đã có sự đổi mới khi thực hiện trên tinh thần thưởng thay cho hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện một số biện pháp như hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng (2009). Tháng 8/2009, Trung Quốc đã khởi động chương trình hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Các sản phẩm này bao gồm điều hòa, tủ lạnh, tivi màn hình phẳng, máy giặt, đồ điện gia dụng… Tiêu chuẩn hỗ trợ tài chính được xác định qua mức giá chênh lệch giữa sản phẩm tiết kiệm năng lượng với các sản phẩm phổ thông.

Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện các chính sách trợ cấp nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái sinh thông qua các chương trình, dự án quốc gia như: Tài trợ từ NSNN cho dự án “Mặt trời vàng” thực hiện trong giai đoạn 2009-2011; Hỗ trợ, khuyến khích thực hiện “Kế hoạch mái nhà năng lượng mặt trời”; Quỹ hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng mới đối với xe ô tô. Để thúc đẩy việc tiết kiệm và chuẩn hóa xe năng lượng mới quy mô, thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu, tháng 2/2009 đã bắt đầu thí điểm hỗ trợ tài chính 1 lần cho xe ô tô tiết kiệm năng lượng và xe sử dụng năng lượng mới tại 13 thành phố. Xe buýt thành phố có chiều dài trên 10m được coi là đối tượng trợ cấp trọng tâm; xe khách và xe thương mại nhẹ, xe có động cơ hỗn hợp và xe tiết kiệm nhiên liệu được phân thành 5 cấp độ và mức hỗ trợ đối với cấp độ cao nhất của mỗi loại xe là 50000 NDT, xe động cơ điện hoàn toàn được hỗ trợ 60000 NDT…

Một số khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm một số nước châu Á về xây dựng chính sách tài chính cho nền kinh tế xanh, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách sau:

Đối với chính sách huy động nguồn lực tài chính                

Đại hội XI của Đảng đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, trong đó đề ra định hướng gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, do đó, để hướng tới một nền kinh tế xanh thì việc huy động nguồn lực tài chính là rất cần thiết.

Qua kinh nghiệm của các nước châu Á, để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần có một chiến lược huy động nguồn lực tài chính tư nhân thông qua các dự án Hợp tác công - tư (PPP). Cùng với đó, Chính phủ nên có những cam kết nhằm đảm bảo lợi ích và hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, bởi các dự án về biến đổi khí hậu thường có lợi nhuận thấp và thời gian tương đối dài.

Việt Nam cũng cần xây dựng và triển khai khung khổ tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững...

Đối với chính sách thuế

BVMT là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các đoàn thể xã hội và tất cả các cá nhân phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về việc sử dụng hợp lý các tài sản thiên nhiên và bảo vệ môi trường” (Điều 29); Theo đó, pháp luật về thuế BVMT đã được xây dựng và hoàn thiện trong hệ thống chính sách thuế của nước ta với mục tiêu thu thuế vào các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, mức thuế cụ thể đối với các loại tài nguyên được quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 và Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14. Theo đó, thuế BVMT được thu theo mức tuyệt đối, cụ thể, đối với xăng dầu và mỡ nhờn thì mức thuế là từ 2.000-4.000 đồng/lít, mức thuế đối với HCFC là 5.000 đồng/kg, túi ni lông là 50.000 đồng/kg, thuốc trừ mối là 1.000 đồng/kg...

Đối với thuế tài nguyên thì mức thuế suất được điều chỉnh tăng dần nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ hạn chế khai thác và sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, Luật Thuế BVMT còn nhiều bất cập về phạm vi đối tượng chịu thuế, người nộp thuế cũng như là mức thuế với các đối tượng tính thuế. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần có giải pháp đối với thuế BVMT như sau: (i) Đối tượng chịu thuế cần xác định các đối tượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường một cách đáng kể và có thể xác định được mức độ ô nhiễm theo tiêu chuẩn môi trường; (ii) Việc thu thuế nên áp dụng chủ yếu đối với chủ thể sản xuất, kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Các chủ thể có khả năng gây ô nhiễm bao gồm chủ thể có hoạt động xả chất thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chủ thể sản xuất các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trưòng như ôtô, xe máy, thuốc lá...

Đối với chính sách chi ngân sách

Chi ngân sách nhằm hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam bao gồm các hoạt động cảnh báo môi trường, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm của một số nước châu Á cũng như thực trạng chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh Việt Nam, trong thời gian tới, nhằm phát triển kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững Việt Nam cần tăng chi thường xuyên cho các dự án tăng trưởng xanh từ việc huy động nguồn thu thông qua các sắc thuế về BVMT, phí BVMT và thuế tài nguyên.                

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược quốc gia về  tăng trưởng xanh thời kỳ  2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050  Ban  hành  kèm  theo  Quyết  định  số 1393/QĐ-TTg  ngày  25/9/2012  của  Thủ tướng Chính phủ;

2. Nguyễn  Quang  Thuấn,  Nguyễn  Xuân Trung (2012), Kinh tế  xanh trong đổi mới mô  hình  tăng  trưởng  và  tái  cấu  trúc  nền kinh tế  Việt Nam,  Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 3/2012;

3. Chung-a Park (2012), Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc: Công nghiệp xanh – động cơ tăng trưởng mới;

4. Peters (2012), The role of green fiscal mechanisms in developing countries: lessons learned;

5. UNEP – IMF – GIZ (2012), Fiscal policy towards an inclusive green economy in Indonesia

6. Amin và các cộng sự (2014), China’s low carbon finance and investment pathway;

7. Botang và Weina (2012), The production design of green credit of environmental financial.