Chính sách quản lý chất lượng môi trường không khí

Minh Thư

Các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là một trong các vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận. Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.

Ô nhiễm môi trường không khí luôn là một vấn đề nhức nhối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường không khí luôn là một vấn đề nhức nhối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022 cho thấy, khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/9 quốc gia và xếp thứ 36/117 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Thống kê của IQAir cũng chỉ ra, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Ô nhiễm môi trường không khí luôn là một vấn đề nhức nhối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Ô nhiễm môi trường không khí có rất nhiều tác động lớn đến nền kinh tế từ cấp độ vi mô đến vĩ mô. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD, chiếm từ 5-7% GDP.

Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, tại Chương II, mục 2, điều 12 đã quy định về BVMT không khí: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật; Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật; tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng; các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 6, Luật BVMT năm 2020 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT không khí là xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại...; gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí; thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về BVMT.

Các văn bản dưới Luật hướng dẫn quản lý môi trường không khí cũng khá đầy đủ như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn thi hành Luật BVMT; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật BVMT về ứng phó với BĐKH…

Để tăng cường kiểm soát môi trường không khí, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về BVMT không khí như: Quyết định số 909/2010/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố; Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải; Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Đặc biệt, Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nêu rõ những nội dung chính sẽ triển khai thời gian tới như: Ban hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng môi trường không khí theo quy định của Luật BVMT năm 2020; rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam (bao gồm phương tiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam); xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí liên vùng, liên tỉnh; ban hành tiêu chí chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với các phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường quản lý môi trường không khí: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng mới cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề truyền thống ít gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề, chuyển đổi sản xuất đối với những làng nghề sản xuất gây ô nhiễm không khí, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2024; cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT đối với các đối tượng theo quy định của Luật BVMT, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025…