Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững


Để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thì việc đảm bảo nguồn lực cho phát triển có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh việc hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, nguồn lực cho phát triển sẽ phải huy động nhiều hơn và đòi hỏi chính sách tài chính phải có những điều chỉnh cho phù hợp.

Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tài chính-ngân sách nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và tạo nguồn lực phát triển kinh tế bền vững.

Chính sách tài chính linh hot, ch đng, to ngun lc cho phát trin bn vng

Chính sách huy đng ngun lc tài chính công

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện cải cách mạnh mẽ khung khổ pháp luật về tài chính công để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế bền vững. Hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được rà soát, hoàn thiện và thực hiện theo lộ trình đề ra, đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững  - Ảnh 1

Việc thực hiện điều chỉnh giảm mức độ động viên trong một số sắc thuế, khoản thu đã nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách thu thời gian qua còn khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Luật phí và lệ phí đã chuyển mạnh nhiều loại phí sang quản lý theo cơ chế giá, góp phần thúc đẩy xã hội hoá, khuyến khích huy động nguồn lực hiệu quả hơn.

Cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính- ngân sách nhà nước (NSNN), trước những biến động bất lợi của đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, chính sách động viên NSNN đã được điều chỉnh kịp thời thông qua việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp đối với một số khoản thu, sắc thuế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong đó, đã gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; miễn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng; miễn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, miễn lệ phí môn bài đối với một số đối tượng và thuế sử dụng đất; giảm một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay...

Chính sách huy đng ngun lc tài chính tư nhân trong nưc

Thể chế chính sách tài chính ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế, chính sách để huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế bền vững nói riêng.

Theo đó, một môi trường đầu tư thống nhất, công bằng, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế đã từng bước được hình thành. Nhiều chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, đất đai cũng được mở rộng để khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu gắn với các mục tiêu về phát triển bền vững.

Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững  - Ảnh 2

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện giảm tỷ lệ động viên trong một số sắc thuế, khoản thu; từng bước xóa bỏ sự phân biệt về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Theo đó, vai trò đòn bẩy của chính sách tài chính trong thu hút vốn đầu tư của xã hội để phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên (lĩnh vực công nghệ cao, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, lĩnh vực sản xuất tạo giá trị gia tăng cao…) và các khu vực kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn đã được chú trọng.

Các chính sách ưu đãi tài chính phổ biến hiện đang được áp dụng bao gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất, kỳ miễn thuế, giảm thuế…), thuế nhập khẩu (miễn, giảm thuế, hoàn thuế…); ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, chính sách hỗ trợ (đào tạo lao động, xúc tiến thương mại…).

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, thị trường tài chính đã có những bước phát triển mới với trọng tâm là tái cơ cấu thị trường, đảm bảo hài hòa, cân đối giữa các cấu phần của thị trường... Theo đó, nền tảng tài chính đang ngày càng được củng cố và đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Cơ cấu thị trường tài chính có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng; thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Trong năm 2020-2021, trước sự tác động của đại dịch COVID-19 lên thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, một số biện pháp chính sách đã được thực hiện nhằm hỗ trợ thị trường hoạt động ổn định, an toàn, duy trì niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường như hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thị trường vốn, ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, cắt giảm thủ tục hành chính tăng cường thanh tra, giám sát đảm bảo an toàn hệ thống.

Ngoài ra, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong một số lĩnh vực dịch vụ công cũng đã góp phần huy động nguồn lực từ các chủ thể trong nền kinh tế cho phát triển bền vững.

Chính sách tài chính khuyến khích xã hội hóa bao gồm chính sách miễn, giảm thuế; ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… đã được triển khai đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao và môi trường...

Việc triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa đã góp phần mở rộng mạng lưới, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; đa dạng hoá loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công.

Chính sách tài chính huy đng ngun lc t bên ngoài

Cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, hệ thống chính sách, pháp luật về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện. Qua đó, các kênh huy động vốn đa dạng hơn, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay thương mại thông qua phát hành trái phiếu quốc tế... Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng nền kinh tế để thực hiện các mục tiêu phát triển, trong đó có những mục tiêu về phát triển bền vững.

Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững  - Ảnh 3

Hiện nay, việc đầu tư của các cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng đã ký kết nhiều điều ước quốc tế, trong đó có các điều ước quốc tế về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, về tránh đánh thuế trùng. Nguồn vốn FDI đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Kết qu thc hin chính sách tài chính huy đng ngun lc phát trin kinh tế bn vng

Ngun lc tài chính công ngày càng đưc tăng cưng

Quy mô thu NSNN ngày càng được mở rộng, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, góp phần đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011 - 2020 cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2010; trong đó, thu nội địa tăng khoảng 5,1 lần, thu từ dầu thô tăng khoảng 1,3 lần và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khoảng 2,9 lần.

Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 24,5% GDP; trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 23,6% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 25,2% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20 - 21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP).

Mặc dù dưới tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế như đã nêu trên, nhưng kết quả thực hiện thu NSNN vẫn khá tích cực.

Tổng thu NSNN năm 2021 ước đạt và vượt dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt gần 18% GDP ước thực hiện (Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội khóa XV tháng 10,11/2021, GDP ước thực hiện là 8.490 nghìn tỷ đồng), trong đó thu NSNN cả cấp trung ương và địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Cùng với việc từng bước củng cố quy mô thu NSNN, cơ cấu thu NSNN giai đoạn vừa qua cũng bền vững hơn. Thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN, tỷ trọng trong cả giai đoạn 2011 - 2020 là 76,7% (giai đoạn 2001 - 2010 đạt 57,6%), năm 2021 đạt khoảng 82%.

Thu ngân sách được cơ cấu lại theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế và nguồn thu từ dầu do sự biến động của giá dầu thế giới.

Cơ cấu thu theo sắc thuế có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với hệ thống thuế hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Theo phân cấp thu NSNN, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng, số địa phương tự cân đối được thu - chi ngân sách tăng lên (Tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu NSNN đã tăng từ 37,4% giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016-2020. Số địa phương tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương tăng từ 11 địa phương giai đoạn 2007-2010 lên 13 địa phương giai đoạn 2011-2016 và 16 địa phương giai đoạn 2017 - 2021).

Huy đng ngun lc trên th trưng tài chính phát trin n đnh, hiu qu

Thị trường tài chính phát triển ổn định, hoạt động hiệu quả, vận hành an toàn, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường và tạo thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Trong đó, thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế với quy mô huy động vốn giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng; đồng thời cho thấy sức chống chịu tốt trước đại địch COVID-19 và khả năng phục hồi nhanh chóng.

Đến ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với cuối năm 2020. Quy mô vốn hóa cổ phiếu trên thị trường đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020; giá trị bình quân giao dịch khoảng 26,2 nghìn tỷ đồng/phiên. Quy mô thịtrường vốn phát triển tích cực, góp phần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Huy đng ngun lc bên ngoài có tác đng lan ta ln đi vi phát trin kinh tế bn vng

Các nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn vốn FDI, đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ. Vai trò của nguồn vốn FDI ngày càng quan trọng, nhất là trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng của lực lượng lao động theo hướng bền vững.

Ngoài ra, FDI cũng đã góp phần tích cực trong nỗ lực đa phương và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh, các biện pháp hạn chế nhập cảnh được thực hiện, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận và đánh giá thị trường Việt Nam, khiến vốn FDI đăng ký và giải ngân đều giảm.

Mặc dù vậy, sang năm 2021, đầu tư từ khu vực FDI có xu hướng phục hồi, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với nguồn vốn ODA, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ giai đoạn 2010-2020 đạt hơn 40 tỷ USD. Mức cam kết ODA cao trong suốt thời gian qua đã thể hiện sự đồng tình và ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc đổi mới và chính sách phát triển của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay ODA còn thấp, ước tính đến hết 31/01/2022 đạt 75,79% kế hoạch Quốc hội giao, đạt 78,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 97,46%).

Đnh hưng chính sách tài chính đ phát trin kinh tế bn vng thi gian ti

Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia”.

Về nguồn lực để thực hiện, Quyết định 622/ QĐ-TTg cũng đã nêu rõ: “Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động”.

Với phương châm nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, để huy động nguồn lực cho phát triển bền vững, chính sách tài chính cần hướng tới các mục tiêu sau:

Một là, tăng cường sự bền vững nguồn lực cho NSNN cả về quy mô và cơ cấu thông qua việc tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra.

Mở rộng cơ sở thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy đầu tư, đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế, tạo điều kiện cho người nộp thuế tăng tích tụ, khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển; Thực hiện đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế, thông qua việc rà soát lại các ưu đãi, thu hẹp lại các phạm vi, lĩnh vực, ngành nghề, tránh ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung ưu đãi cho những ngành, nghề mũi nhọn hoặc đặc biệt cần khuyến khích hoặc đầu tư vào địa bàn cần ưu đãi.

Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế cần được áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế thông qua việc tiếp tục cải cách các quy trình, thủ tục về kê khai, nộp thuế và quản lý thuế trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro; có cơ chế để quản lý chặt chẽ các hoạt động tiềm ần nguy cơ chuyển giá, trốn thuế.

Chủ động có chính sách để động viên vào NSNN các nguồn thu tiềm năng như thuế bất động sản, các khoản thu liên quan đến tài nguyên và tài sản công, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đặc điểm của Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh việc phát triển thị trường vốn, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đồng thời, phát triển thị trường bảo hiểm và thị trường các dịch vụ tài chính hiệu quả, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy hình thành các kênh huy động vốn gắn với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững.

Ba là, khơi thông nguồn lực, tiềm lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước gắn với việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Theo đó, cần tạo sự thuận lợi, tiết giảm chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và đảm bảo tính minh bạch và ổn định.

Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí kinh doanh, nhất là các chi phí không chính thức, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thực chất giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhà nước tập trung thực hiện có hiệu quả vai trò kiến tạo, xây dựng hệ thống động lực để hỗ trợ cho thị trường trong huy động nguồn lực.

Bốn là, tăng cường hiệu quả huy động thông qua đẩy mạnh việc thực hiện chính sách xã hội hóa trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong cung cấp dịch vụ giữa các đơn vị, tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác nhau.

Hình thành các cơ chế phù hợp để nâng cao tính định hướng của NSNN trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài nhà nước để phát triển các lĩnh vực sự nghiệp công, nhất là sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ và văn hóa xã hội.

* TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.