Quản trị tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội


Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh đổi mới công tác quản trị tài chính, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn đổi mới quản trị tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội, bài viết đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản trị tài chính, thúc đẩy quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị này trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, Nhà nước đã ban hành các văn bản chính sách nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các ĐVSNCL thuộc TP. Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020.

Thống kê sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND, các ĐVSNCL thuộc Sở Y tế Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản trị tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, triển khai tự chủ tài chính tại các ĐVSNCL còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Bài viết đánh giá thực tiễn quản trị tài chính tại các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, từ đó đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực quản trị tài chính, thúc đẩy quá trình tự chủ tài chính tại các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội trong thời gian tới.

Thực tiễn quản trị tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội

Theo Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tổng số ĐVSNCL trực thuộc Sở là 76 đơn vị (41 bệnh viện, 05 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận huyện thị xã), trong đó, đã có 36 đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên (Bảng 1).

Quản trị tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội - Ảnh 1

Thực hiện đổi mới trong công tác quản trị tài chính, số kinh phí quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên của các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã giảm qua các năm, cụ thể: Năm 2017 kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội là 1.365.112 triệu đồng; Năm 2018 là 1.286.567 triệu đồng, giảm 78.545 triệu đồng; Năm 2019 là 1.093.354 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 271.758 triệu đồng; Năm 2020 là 1.077.715 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 287.397 triệu đồng. Cụ thể:

Thứ nhất, giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc lập kế hoạch tài chính; trong sử dụng nguồn lực tài chính theo đúng quy định của Luật NSNN và hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ hiệu quả; phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý; chất lượng hoạt động sự nghiệp

Thứ ba, chính sách nội bộ của các đơn vị dần được kiện toàn, phù hợp với yêu cầu của thực hiện đổi mới quản trị tài chính, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Tuy nhiên, thực tiễn đổi mới quản trị tài chính để nâng cao năng lực tự chủ tài chính ở các ĐVSNCL thuộc Sở Y tế Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần sớm có giải pháp điều chỉnh như:

Thứ nhất, một số ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu mà cơ chế tự chủ tài chính đặt ra.

Thứ hai, việc khai thác và mở rộng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn Thành phố. Việc chậm thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ bảo hiểm y tế hiện nay cũng gây nên nhiều khó khăn cho các ĐVSNCL trong việc thực hiện kế hoạch tài chính và quản trị tài chính của các đơn vị.

Thứ ba, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị tuy đã được tăng cường, nhưng quy mô của hầu hết các đơn vị còn nhỏ, cơ sở vật chất, việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp còn hạn chế.

Thứ tư, một số đơn vị khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức, chưa quy định cụ thể, rõ ràng nội dung chi, mức chi; thiếu các biện pháp quản lý, tăng thu, tiết kiệm chi; việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại đơn vị còn mang tính thời điểm. Điều này phần nào hạn chế hiệu quả quản trị tài chính của các đơn vị.

Thứ năm, áp dụng công nghệ trong quản trị tài chính tại một số đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới việc xử lý số liệu, thông tin phục vụ công tác quản trị tài chính chưa được kịp thời, chính xác. Việc thiếu đội ngũ cán bộ kế cận có chuyên môn sâu về quản trị tài chính đã ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình quản trị tài chính lâu dài của các đơn vị.

Khuyến nghị giải pháp

Nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, góp phần nâng cao năng lực quản trị tài chính, thúc đẩy quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, thời gian tới Sở Y tế Hà Nội cũng như các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cần tập trung triển khai một số nội dung sau:

Một là, thay đổi nhận thức, nhất là nhận thức của người đứng đầu về quản trị tài chính tại các ĐVSNCL; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị; Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản trị tài chính nói chung và quản trị tài chính. Ngoài thay đổi nhận thức, biến nhận thức thành hành động cụ thể, cần tạo lập mô hình quản lý chuyên sâu; xây dựng chiến lược, kế hoạch quản trị tài chính, tài sản, hạch toán kế toán cụ thể, đảm bảo tính đồng nhất trong triển khai thực hiện.

Hai là, tăng nguồn thu tại các ĐVSNCL, qua đó tăng lợi nhuận tại các đơn vị để tái đầu tư trở lại, cụ thể: (i) Hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; (ii) Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao; (iii) Chủ động tăng lợi nhuận trong phạm vi quy định của pháp luật; (iv) Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế tại các đơn vị; (v) Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, hình thành các dịch vụ y tế chất lượng, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân, qua đó giảm dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Ba là, triển khai các biện pháp để tiết kiệm chi, cụ thể:

- Bố trí, sắp xếp lại vị trí việc làm trong các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn bộ máy.

- Xây dựng cơ chế chi thu nhập theo mức đóng góp của người lao động: Để đảm bảo tính công bằng và tiết kiệm chi phí cho đơn vị, mỗi ĐVSNCL cần xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoàn thành công việc của người lao động theo tháng, quý, năm. Trên cơ sở đó, đưa ra những cơ chế chi thu nhập cho người lao động theo hướng: (i) Chất lượng hoàn thành công việc; (ii) Tỷ trọng tạo ra nguồn thu trong tổng nguồn thu của đơn vị; (iii) Có chính sách khen thưởng kịp thời, kỷ luật đúng quy định. Qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế trong thực thi nhiệm vụ được giao.

- Tăng cường kiểm soát các khoản chi theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, chuyên nghiệp hoá các khâu trong quản trị tài chính như lập, thực hiện và quyết toán thu chi. Đối với các ĐVSNCL cần xây dựng một quy trình cụ thể, chi tiết các bước trong các khâu quản trị: lập, thực hiện và quyết toán thu chi; đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian cần hoàn thành cho từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy trình quản trị tài chính.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị tài chính tại các ĐVSNCL. Các phần mền hiện nay sẽ giúp các đơn vị tối đa hoá công tác quản lý các hoạt động nghiệp vụ như: kế toán, phân tích tài chính, quản lý hàng tồn kho, các chỉ tiêu cân đối thu chi... Thông qua các nền tảng này, nhà quản trị có thể thấy được bức tranh tài chính tổng thể của đơn vị, cung cấp dữ liệu để nhà quản trị tài chính đánh giá, phân tích và điều chỉnh kịp thời công tác thu chi của đơn vị; đồng thời, đưa ra những quyết định chính xác nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí (thời gian, nhân lực, vật lực), tăng doanh thu.

Sáu là, hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến quản trị tài chính trong các ĐVSNCL như: cơ chế thanh toán bảo hiểm, cơ chế, chính sách về xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tài chính kế toán và đội ngũ nhân viên y tế...

Bảy là, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản trị tài chính tại các đơn vị. Quản trị tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công cần đi đôi với việc phát huy dân chủ. Trong đó, công khai tài chính cần tập trung vào các nội dung cụ thể sau: Công khai dự toán, quyết toán hàng năm của đơn vị; Công khai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nắm bắt kịp thời và thực hiện; Công khai việc trích lập và sử dụng các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh; Công khai phương án chi trả thu nhập tăng thêm và khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị...           

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Bộ Tài chính, 2015, Hội thảo “Cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”.

3. UBND TP. Hà Nội, Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các ĐVSNCL thuộc TP. Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020;

4. Phan Quý Phương: Thực tiễn hoạt động của các ĐVSNCL và những đề xuất đổi mới.

(*) Nguyễn Việt Hà - Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.