Chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Trong giai đoạn vừa qua, khung khổ pháp luật liên quan đến chính sách tài chính để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Việc thực hiện các chính sách tài chính vì mục tiêu tăng trưởng xanh đã đem đến nhiều tác động tích cực, góp phần khuyến khích, hỗ trợ các hành vi tốt, hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh… Đây là tiền đề quan trọng cho Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện các chính sách tài chính có liên quan cùng với các giải pháp khác góp phần thực hiện có hiệu quả hơn các mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tổng quan về vai trò của chính sách tài chính đối với tăng trưởng xanh
Thúc đẩy tăng trưởng xanh đang là mục tiêu và sự lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng xanh được cho là nền tảng căn bản để đảm bảo phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Mặc dù, có thể được tiếp cận theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng khái quát nhất, tăng trưởng xanh có thể được hiểu là hình thái phát triển đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT).
Thúc đẩy tăng trưởng xanh liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực với nhiều yêu cầu khác nhau nhưng chủ yếu tập trung hướng đến việc hiện thực hóa các mục tiêu: Xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh; Duy trì sản xuất và tiêu dùng bền vững; Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; Bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên…
Để thực hiện được các mục tiêu về tăng trưởng xanh đòi hỏi cần phải có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, sự tham gia đầy đủ, thích cực của các chủ thể có liên quan trong nền kinh tế, trong đó không thể thiếu vai trò của chính sách tài chính. Tiếp cận theo cách chung nhất có thể hiểu chính sách tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh là các giải pháp về tài chính nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng xanh, giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc theo đuổi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đối với môi trường và hệ sinh thái kết hợp với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính sách tài chính khi được thiết kế phù hợp có thể tạo ra các động lực quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng lành mạnh, ít gây phương hại đến môi trường; đồng thời, động viên được các nguồn lực cần thiết cho ngân sách nhà nước (NSNN) để đầu tư cho các công trình, dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ giác độ người tiêu dùng và doanh nghiệp, thông qua chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế, có thể tạo ra các động lực, “đòn bẩy” để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng theo hướng thúc đẩy, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, hạn chế phát thải ra môi trường, ví dụ đánh thuế cao đối với các sản phẩm hàng hóa mà trong quá trình sản xuất, sử dụng tạo ra phát thải cao. Đồng thời, thông qua việc đánh thuế thấp đối với các sản phẩm ít gây ô nhiễm, nhà nước có thể khuyến khích người dân chuyển hướng sang việc tiêu dùng các loại hàng hóa thân thiện với môi trường, ít phát thải, ví dụ như ô tô điện, các loại bao bì dễ tiêu hủy, các sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, chính sách thuế còn có thể được sử dụng để tạo ra các “rào cản” về kinh tế đối với những hành vi tiêu dùng gây tổn hại cho môi trường như các hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng.
Bên cạnh đó, đối với hoạt động đầu tư, thông qua các chính sách hỗ trợ về tài chính có thể hình thành nên hệ thống động lực để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án ít gây ô nhiễm, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít nhiên liệu, ít phát thải ra môi trường như áp dụng chính sách ưu đãi thuế, chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ đầu tư cho các dự án sử dụng công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Với các biện pháp hỗ trợ về tài chính phù hợp các dự án vì mục tiêu BVMT, hướng tới tăng trưởng xanh sẽ có được tính cạnh tranh cao hơn, lợi nhuận hấp dẫn hơn để thu hút được các nhà đầu tư tham gia.
Đối với nhà nước, việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, ví dụ đánh thuế cao đối với nhiên liệu hóa thạch, có thể góp phần tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Việc sử dụng công cụ thuế cho mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ giúp chính phủ thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa hạn chế được các hành vi sản xuất và tiêu dùng gây phương hại đến môi trường vừa bổ sung thêm nguồn lực cho ngân sách, góp phần củng cố tài khóa để đầu tư cho các công trình, dự án vì mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, số thu NSNN tăng thêm từ các sắc thuế liên quan đến BVMT sẽ tạo ra dư địa cho chính phủ trong việc chủ động thực hiện giảm mức độ động viên từ các loại thuế truyền thống đánh vào lao động và vốn như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thực trạng triển khai chính sách tài chính thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Việc xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính dựa vào các quy luật của kinh tế thị trường kết hợp với các công cụ hành chính, kỹ thuật nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Cùng với việc sử dụng công cụ thuế như thuế môi trường, thuế năng lượng, thuế đối với xe cơ giới, thuế các-bon… nhiều quốc gia cũng đã ưu tiên tăng chi ngân sách cho hoạt động BVMT, tăng chi cho các chương trình, dự án đầu tư để khuyến khích tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo.
Ở Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh được xác định là một trong những trụ cột quan trọng nhằm hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững. Cùng chung sức với cộng đồng quốc tế, tháng 12/2015, Việt Nam đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu (COP21). Tiếp đến, năm 2021, Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết trong khung khổ COP26, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện các mục tiêu, định hướng được đề ra trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước cũng như để thực hiện các cam kết quốc, Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều nhóm giải pháp khác nhau, trong đó những giải pháp về chính sách tài chính. Đến nay, các chính sách này đã được thực hiện khá đồng bộ, phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế, trong đó tập trung vào nhóm chính sách thuế, phí, chính sách chi NSNN và chính sách ưu đãi về tín dụng, thể hiện trên một số điểm chính như sau:
Một là, đối với chính sách thuế, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, cải cách thuế luôn là một bộ phận không tách rời trong quá trình cải cách và chuyển đổi cơ chế kinh tế của Việt Nam, trong đó yêu cầu “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế theo hướng gắn với việc BVMT, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh đã trở thành một yêu cầu xuyên suốt, chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc tiêu thụ các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường có mức phát thải lớn. Việc thực hiện các chính sách tài chính giai đoạn vừa qua đã góp phần khắc phục các “thất bại của thị trường”, làm cho giá cả của một số loại hàng hóa trên thị trường phản ánh đầy đủ hơn chi phí của việc tiêu dùng hàng hóa đó khi xét trên góc độ xã hội và môi trường.
Giai đoạn trước năm 2012, Việt Nam chưa có một sắc thuế riêng về môi trường để thu vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường. Trong đó, có các chính sách phí áp dụng vào các nguồn gây ô nhiễm, đánh vào các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường như: phí BVMT đối với nước thải (được thực hiện từ năm 2003); phí BVMT đối với chất thải rắn (được thực hiện từ năm 2007); phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (thực hiện từ năm 2008) và phí xăng dầu (thu vào mặt hàng xăng dầu).
Từ ngày 01/01/2012, việc thực hiện Luật thuế BVMT đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận về sử dụng các công cụ tài chính cho mục tiêu BVMT ở Việt Nam. Thuế BVMT đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì phải nộp thuế, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với vấn đề BVMT, khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên của đất nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, góp phần huy động thêm nguồn lực cho NSNN để đầu tư cho các mục tiêu về phát triển KT-XH và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Trong vòng 10 năm (2012-2021) kể từ khi đưa vào áp dụng, số thu NSNN từ thuế BVMT đã tăng 4,6 lần. Thuế BVMT đang trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam từ giác độ tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Trong giai đoạn 3 năm gần đây (2021-2024), số thu thuế BVMT có giảm xuống do việc thực hiện chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới ở mức cao nhưng vẫn là nguồn lực quan trọng của NSNN.
Hai là, các chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh cũng đã được sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ. Trong đó, pháp luật về thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi thuế suất 10% cho suốt đời dự án đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường; miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, Luật thuế TNDN cũng đã có quy định miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải…
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng đã có quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải cũng được miễn thuế xuất khẩu. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng đã quy áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu cao đối với các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh cũng được xây dựng và tổ chức thực hiện khá đồng bộ, trong đó đã có các chính sách để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường. Kể từ ngày 01/4/2009, xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thấp hơn đáng kể so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, xe ô tô chở người dưới 9 chỗ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh lớn hơn đã phải chịu mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn.
Gần đây, để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin đã được điều chỉnh giảm 3 đến 12 điểm phần trăm so với mức hiện hành trong 5 năm từ 01/3/2022 đến 28/02/2027. Theo đó, thuế suất thuế TTĐB của xe ô tô điện chở người chạy bằng pin từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 có mức thuế suất là 1%, 2% hay 3% tùy theo số chỗ ngồi; từ ngày 01/3/2027 mức thuế suất áp dụng là 4%, 7% và 11%, thấp hơn nhiều lần so với xe ô tô chở người chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đang áp dụng là từ 15% đến 150%.
Ba là, chính sách chi NSNN được chú trọng theo hướng ưu tiên cho các chương trình, dự án liên quan đến BVMT. Hàng năm, NSNN bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi NSNN hàng năm. Ngoài ra, nguồn lực từ NSNN cũng đã được ưu tiên sử dụng đầu tư cho một số công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, chiến lược của đất nước nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Cùng với đó, khung khổ pháp lý cho chính sách mua sắm công xanh cũng đã từng bước được xây dựng, tạo cơ sở cho việc khuyến khích việc mua sắm các sản phẩm tiết kiệm, tiêu hao ít năng lượng và thân thiện với môi trường. Hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Bốn là, một số cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi đối với các dự án liên quan đến BVMT, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo đã được xây dựng và triển khai thông qua Quỹ BVMT Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam và các quỹ đầu tư phát triển địa phương. Cùng với đó, các cơ chế chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào các dự án BVMT, phát triển thị trường tín chỉ các-bon cũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, ví dụ như các chính sách ưu đãi về tài chính để thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động BVMT, thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng xử lý rác thải hay chính sách ưu đãi về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ phát thải của doanh nghiệp.
Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Có thể thấy, các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đến nay đã được ban hành khá đầy đủ. Đặc biệt, quá trình “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua đã góp phần hình thành nên các khung khổ khá đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó, đã tạo nền tảng cho việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; hình thành nên hệ thống động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào các dự án BVMT, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc thực hiện các chính này cũng tạo thêm nguồn lực cho NSNN để cùng với các nguồn thu khác đáp ứng tốt hơn các nhu cầu chi ngân sách cho phát triển KT-XH, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng xanh và BVMT.
Tuy nhiên, thực trạng thực hiện các chính sách tài chính cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam thời gian qua cũng đã chỉ ra một số vấn đề cần được nhận diện để tiếp tục hoàn thiện. Mức độ điều tiết của một số sắc thuế vì mục tiêu BVMT chưa đủ lớn để có tác động làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân và doanh nghiệp trong việc BVMT, chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, qua đó tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ngoài ra, trên thực tế vẫn còn những sản phẩm là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nhưng hiện không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT cũng cần được nghiên cứu để bổ sung. Thực tiễn hiện nay đang có những sản phẩm, hàng hoá mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được xem xét để đưa vào diện điều chỉnh của chính sách thuế BVMT.
Cùng với đó, mức thuế BVMT áp dụng đối với một số mặt hàng còn thấp nên chưa tạo ra được các động lực đủ mạnh để góp phần điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, hạn chế sử dụng những hàng hóa gây ô nhiễm, chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Luật Thuế BVMT hiện hành quy định Biểu khung thuế với mức thuế tuyệt đối (gồm mức tối thiểu và tối đa) và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức cụ thể dựa trên các nguyên tắc: (i) Mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa chịu thuế; (ii) Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Theo đó, trên cơ sở việc xác định các loại hàng hóa cần chịu sự điều chỉnh của chính sách thuế BVMT cũng cần có các đánh giá cụ thể về việc áp dụng nguyên tắc này để xác định mức độ điều tiết phù hợp đối với từng loại hàng hóa chịu thuế BVMT, qua đó, phản ánh đầy đủ hơn cơ chế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, phát huy vai trò của chính sách thuế BVMT trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh.
Các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đến nay đã được ban hành khá đầy đủ. Đặc biệt, quá trình “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua đã góp phần hình thành nên các khung khổ khá đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó, đã tạo nền tảng cho việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; hình thành nên hệ thống động lực để thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.
Hoạt động tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh đã được triển khai những năm gần đây nhưng khung pháp lý còn chưa đồng bộ, còn thiếu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy các thị trường này phát triển. Việc triển khai các cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh còn chưa đem lại hiệu quả cao. Quá trình thực hiện giai đoạn vừa qua cho thấy nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về thúc đẩy phát triển bền vững vẫn chủ yếu là nguồn lực NSNN, vai trò của nguồn lực tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu này còn khá hạn chế. Việc thu hút các nguồn lực bên ngoài vào các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường và mức tiêu hao nhiên liệu thấp chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, nhất là đối với việc giảm phát thải, việc xây dựng và vận hành hiệu quả thị trường các-bon trong nước có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, khung khổ chính sách nói chung và chính sách tài chính nói riêng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường các-bon còn chưa đầy đủ.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ chính sách tài chính vì mục tiêu tăng trưởng xanh cần tiếp tục được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Một số khuyến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất, rà soát tổng thể các chính sách thuế liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu về BVMT, nhất là chính sách thuế BVMT, thuế TTĐB. Nghiên cứu để mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT. Thuế BVMT cần hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm. Đồng thời, cần nghiên cứu để quy định mức thuế phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Rà soát để điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng sinh học và các loại xe thân thiện với môi trường để thúc đẩy hiệu quả hơn nữa việc sử dụng các sản phẩm này.
Thứ hai, xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Như đã đề cập ở trên, hiện nay, mức thuế suất đối với một số sản phẩm, hàng hóa chịu thuế BVMT chưa thực sự hợp lý để tạo ra các động cơ thích hợp để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Theo đó, đối với các mặt hàng hiện nay đã thuộc diện chịu thuế BVMT, ví dụ như xăng dầu, than, túi ni lông, dung dịch HCFC cần thiết phải sửa đổi khung thuế suất cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, để không làm xáo trộn quá mức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Việc điều chỉnh khung thuế suất cần được thực hiện có lộ trình cùng với các việc đánh giá tác động đầy đủ các mặt có liên quan.
Thứ ba, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu phí BVMT đối với khí theo định tại Nghị định số 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 của Chính phủ quy định về phí BVMT đối với khí thải. Theo quy định tại Nghị định số 153/2024/NĐ-CP, chính sách thu phí BVMT đối với khí thải sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/01/2025, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế liên quan đến BVMT của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là chính sách phí mới nên cần có sự chuẩn bị kỹ lượng về điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là đối với việc thu phí BVMT khí thải đối với các đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải.
Thứ tư, rà soát tổng thể hệ thống các chính sách ưu đãi về thuế, thu hẹp các chính sách ưu đãi không hiệu quả để dành sự ưu tiên lớn hơn cho các dự án ưu tiên gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Đây là những lĩnh vực khi được đầu tư sẽ tạo ra các “ngoại ứng tích cực” cho nền kinh tế trong việc thực hiện các mục tiêu về BVMT. Chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án này cần đảm bảo phải phù hợp với các nguyên tắc chung của thương mại và đầu tư quốc tế, đảm bảo không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế phải đảm bảo minh bạch, theo các tiêu chí rõ ràng và dựa theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo việc thực hiện được thuận tiện.
Thứ năm, tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực từ NSNN cho công tác BVMT và việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp của nhà nước. Đồng thời, hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh, thị trường trái phiếu xanh để thu hút nguồn lực xã hội cho các chương trình, dự án xanh; khẩn trương xây dựng và vận hành có hiệu quả thị trường các-bon trong nước theo các yêu cầu đã được nêu tại Luật BVMT năm 2020. Nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh, chứng chỉ giảm phát thải, tín chỉ các-bon để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm phát thải gây hại cho môi trường, chuyển dịch sang sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hóa thân thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện lồng ghép việc thực hiện các mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng xanh với việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của ngành, lĩnh vực và địa bàn có liên quan. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, các chủ thể có liên quan ở cả cấp trung ương và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thu Thủy (2019). “Hoàn thiện khung pháp lý về chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ Tài chính mã số 2018-09;
- Nguyễn Viết Lợi và Henri Pierre Gebauer (2020), “Công cụ tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam”. NXB Tài chính;
- Pierre Audinet, Bipul Singh, Duane T. Kexel, Suphachol Suphachalasai, Pedzi Makumbe, Kristy Mayer (2016), “Exploring a Low-Carbon Development Path for Vietnam”. World Bank Group.