Chính sách tài khóa - "bệ đỡ vững vàng" cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Chính sách tài khóa đã phát huy vai trò "bệ đỡ vững vàng" cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch năm 2023 và tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng năm 2024.
Trả lời một số câu hỏi phóng viên Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 cần nhấn vào chính sách tài khóa, trong đó trọng điểm là đầu tư công.
Phóng viên: Về chính sách tài khóa giai đoạn vừa qua, ông có đánh giá gì thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Hùng: 2023 là năm cuối của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19. Có thể thấy, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm, giãn, miễn nhiều loại phí, lệ phí… và nhiều giải pháp tài khóa khác đã có sự đóng góp tích cực cho sự phục hồi kinh tế của năm ngoái, là bệ đỡ để tăng trưởng GDP đạt 5,05% trong năm 2023.
Sang năm 2024, một số biện pháp tài khóa vẫn còn có hiệu lực và tiếp tục mang lại nhiều tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Đơn cử như chính sách giảm 2% thuế GTGT trong nửa đầu năm 2024 giúp kích thích tiêu dùng nội địa.
Nhìn chung, chính sách này đáp ứng linh hoạt những diễn biến của nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Bước qua giai đoạn phục hồi ban đầu, bối cảnh nền kinh tế năm 2024 đã khác so với năm 2023, quan điểm của ông về các giải pháp tài khóa năm nay thế nào?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi và phục hồi mạnh hơn. Bàn rộng hơn, tức là xét về vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cần có sự hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Chính sách tiền tệ cũng đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian qua rồi. Nhưng đến nay, không gian cho chính sách tiền tệ gần như không có vì dư địa để giảm lãi suất không còn. Do đó, Chính phủ cần tập trung vào chính sách tài khóa để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của tôi là “nhẹ về tiền tệ, nặng về tài khóa” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, mà gần đây Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng, việc triển khai chính sách tài khóa phải cân đối giữa kích thích cầu nội địa nhưng cũng phải cân đối tài chính công, vì giảm thu ngân sách có nghĩa là thâm hụt ngân sách.
Phóng viên: Vậy giải pháp then chốt của chính sách tài khóa hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Tôi cho rằng, đầu tư công nên là “trọng điểm” và quan trọng hơn cả, bởi nó có tính lan tỏa. Đầu tư công không chỉ tăng cầu nội địa, tạo việc làm để thực hiện các dự án đầu tư công, nó còn giúp nền kinh tế - xã hội sôi động và hiệu quả hơn. Khi các dự án đầu tư công được hoàn thiện, hoạt động kinh tế khu vực đó cũng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Đó là lý do, tôi cho rằng, cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công, coi đây là giải pháp then chốt.
Ngoài ra, với chính sách tài khóa, hiện Chính phủ vẫn đang có nhiều giải pháp mang tính dài hơi hơn, ví dụ như chương trình phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Chương trình này cũng được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Phóng viên: Như ông đã chia sẻ, chính sách giảm 2% thuế GTGT đã kích thích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu lực đến hết tháng 6/2024, tức là quá trình triển khai chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Vì vậy, có đề xuất tiếp tục gia hạn việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2024. Ý kiến của ông về đề xuất này?
Ông Nguyễn Bá Hùng: Chính phủ là cơ quan có nhiệm vụ đề xuất việc giảm 2% thuế GTGT. Tuy nhiên, nên hay không nên tiếp tục gia hạn còn phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội.
Trên thực tế, hiện nay, Chính phủ vẫn đang xem xét cân nhắc các chính sách tài khóa có còn cần thiết trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 hay không để đưa ra các đề xuất mới, trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước đang yếu, đầu tư đang yếu, có thể Chính phủ sẽ tiếp tục gia hạn chính sách này cho tới hết năm 2024. Bởi, trong các chính sách tài khóa đã và đang được triển khai, việc giảm 2% thuế GTGT có tác động trực tiếp tới tiêu dùng nội địa, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ngược lại, nếu Chính phủ đánh giá diễn biến trong nước ổn định, không cần kích thích tiêu dùng nội địa nữa, có thể sẽ không gia hạn việc giảm thuế. Nói tóm lại, việc giảm hay không giảm phụ thuộc vào đánh giá của Chính phủ và cả Quốc hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!